Viễn cảnh hai mặt trước TPP
Có thể nói nút thắt cuối cùng để Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia (trong đó có Việt Nam), khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD hình thành và đi vào vận hành đã được khai thông. Hiệp định này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của tất cả các quốc gia trong khu vực Thái Bình dương.
Đối với Việt Nam, tầm qua trọng của việc tham gia TPP được đánh giá bằng hoặc còn lớn hơn việc chúng ta tham gia WTO, một động lực quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua.
Ngày 30-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, bà Sally Jewell khi có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, đã đề nghị hai bên tiếp tục thiện chí và nỗ lực đàm phán các điều khoản của Hiệp định TPP trên tinh thần dành sự linh hoạt cần thiết cho Việt Nam như tuyên bố của Tổng thống Barack Obama trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm kết thúc đàm phán.
Về Hiệp định TPP. Bộ trưởng Sally Jewell cũng cho biết, với vai trò của mình, nhất là tiếng nói trong các vấn đề về lao động và môi trường, bà sẽ cùng các thành viên Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán và phê chuẩn Hiệp định.
Tuy nhiên, bị ràng buộc bởi một cam kết phải giữ bí mật trong quá trình đàm phám TPP, cho nên đến thời điểm này, dư luận cũng như các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều thông tin về TPP, những thông tin có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như nhiều vấn đề kinh tế xã hội.
TPP là gì?
TPP là tên viết tắt của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Tran Pacific Partnership). Đây là hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước hai bờ Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Mỹ và Nhật Bản.Từ năm 2005 đến nay, Hiệp định đã trải qua trên 20 vòng đàm phán và dự kiến được thông qua vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 nếu các bên đàm phán thành công. TPP sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD, chiếm đến 40% tổng sản phẩm toàn cầu.
Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2017 và cắt giảm bằng 0 tới năm 2018. Về phạm vi, so với các cam kết thương mại tự do khác như BTA, AFTA và trong WTO, TPP mở rộng hơn cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, vấn đề phi thương mại như mua sắm Chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được quy định trong TPP. Điểm nổi bật nhất của TPP là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa. Thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn là xóa bỏ ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực. Về dịch vụ, TPP thực hiện tự do hóa mạnh theo phương thức chọn - bỏ. Theo đó, tất cả các ngành dịch vụ đều được mở, trừ những ngành nằm trong danh mục loại trừ.
Từ năm 2006, qua nhiều kênh, Singapore đã rất tích cực mời Việt Nam tham gia TPP - P4. Trước những cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt Nam chưa nhận lời mời này. Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định tham gia TPP, và trước khi tuyên bố tham gia TPP, Mỹ đã mời Việt Nam cùng tham gia Hiệp định này, Việt Nam đã cân nhắc lại việc tham gia hay không tham gia TPP. Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11-2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP.
Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn thấy chính quyền Obama có được TPA trước khi hoàn tất TPP - một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017. Với Việt Nam, các cuộc đàm phán về cơ bản cũng đã gần hoàn tất, chỉ còn một số điều khoản chúng ta đang mong muốn các nước phát triển cho chúng ta một dư địa, cả về thời gian lẫn nội dung, để chúng ta đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định và công bằng với các nền kinh tế khác.
TPP có ảnh hưởng tích cực tới kinh tế Việt Nam
Dĩ nhiên, với mọi cam kết trên thị trường thế giới, những ảnh hưởng tích cực luôn đi cùng những thách thức. TPP không là ngoại lệ. Đối với các doanh nghiệp, TPP sẽ là con đường rất tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP. Trong đó, lợi thế về thuế quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam ở thị trường Mỹ và Bắc Mỹ trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác vốn đã được Mỹ dành cho ưu đãi về thuế quan.
Nếu nhìn từ trong nước, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước TPP sẽ tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với giá cả rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, công nghệ và nguyên vật liệu đa dạng hơn. Sự cạnh tranh, sức ép từ các doanh nghiệp đối tác cũng là động lực để các doanh nghiệp, các ngành và cả nền kinh tế tự điều chỉnh, tự cải thiện và tiến tới tự hoàn thiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, hiện nay, mặc dù hàng năm các doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm phải nhập rất nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài, trong đó có Mỹ nhưng giá trị xuất khẩu thành phẩm vào các nước này lại hạn chế do vấp phải các rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn xử lý, bảo quản. Việc gia nhập TPP sẽ đòi hỏi ngành nông nghiệp nước ta có sự tái cơ cấu, hoạch định một cách bài bản hơn để xác định các lợi thể cạnh tranh trước khi bước vào sân chơi quốc tế.
Bên cạnh những cơ hội thì một số thách thức có thể nhìn thấy bao gồm: nguy cơ mất khả năng cạnh tranh nội địa với luồng hàng hóa nhập khẩu ồ ạt từ các nền kinh tế khác thuộc TPP. Ngoài ra, TPP cũng yêu cầu các nước phải chứng minh được xuất xứ của các mặt hàng xuất khẩu phi nông nghiệp đến từ các nước thuộc TPP để có thể hưởng được thuế quan ưu đãi.
Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong giá trị sản phẩm của nhiều ngành xuất khẩu của nước ta lại được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào… là các nước nằm ngoài TPP, đòi hỏi chúng ta phải chủ động sản xuất nguyên liệu.
Tuy nhiên, phải khẳng định, TPP sẽ có tác động tích cực, rất tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Giáo sư Peter Petri, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Brandeis (Mỹ), nhận định Viêt Nam là một trong những nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP.
Có 5 yếu tố giải thích cho kết quả này: Thương mại với Mỹ; bảo hộ nước ngoài cao chống lại các quy định về xuất khẩu của Việt Nam; vị thế có tính cạnh tranh cao trong công nghiệp, như may mặc và giầy dép là ngành mà lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc đang giảm dần; tính bảo hộ trong nước cao và phạm vi ảnh hưởng lớn đối với các ngành sản xuất chính. Những yêu tố đó sẽ thúc đẩy xuất khẩu và điều kiện thương mại trong phạm vi TPP.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia đối với tham gia hiệp định TPP, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP thêm từ 16 tỷ USD năm 2016 đến 84 tỷ USD năm 2020 và 104 tỷ USD đến năm 2025. Trong những giai đoạn đó sự quan tâm của các quốc gia chính là việc được ưu tiên tiếp cận tới thị trường Mỹ rộng lớn.
Đừng vội vàng với những điều kiện bảo hộ lao động TPP có những điều khoản ngặt nghèo về bảo hộ lao động. Người lao động, dĩ nhiên sẽ có lộ trình, sẽ được tiếp cận với các chế tài bảo vệ quyền lợi, trong đó có công đoàn, có cơ sở pháp lý tranh đấu với giới chủ, các quyền đình công, bãi công… như ở các nước phát triển. Nhưng đó chỉ là một mặt trong quan hệ lao động.
Những mặt khác như năng suất, kỷ luật lao động, sự chặt chẽ và công bằng trước pháp luật của những hợp đồng lao động, hợp đồng trách nhiệm là những mặt mà người lao động nước ta chưa thể tuân thủ, trong khi những chế tài pháp lý sẽ đặt người lao động Việt Nam trước những thách thức lớn. Tất cả những người đã từng đi lao động xuất khẩu hoặc làm việc ở nước ngoài đều biết rõ sự khắc nghiệt của kỷ luật lao động ở các nước phát triển.
Chắc chắn, tham gia TPP, người lao động sẽ có mức thu nhập cao hơn, lộ trình tăng lương cơ bản sẽ phải đẩy nhanh để triệt tiêu lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam, đi cùng với nó sẽ là áp lực tăng năng suất lao động, hoàn thiện kỹ năng và tăng kỷ luật trong lao động và quan trọng hơn, tăng trách nhiệm của người lao động với giới chủ.
Tất cả sẽ được điều chỉnh bằng những công cụ pháp luật có sự đồng thuận của các nước thành viên hiệp định.Như vậy, cùng với viễn cảnh các hàng hóa từ thực phẩm cho bữa ăn đến sản phẩm công nghệ cao được bày bán giá rẻ trên mọi chợ, siêu thị của Việt Nam là một môi trường lao động kỷ luật, năng suất cao, đầy trách nhiệm đến mức khắc nghiệt sẽ hiện diện. Quả là cái gì cũng có hai mặt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo