Viết cho nhà báo trẻ: Ba “cái đừng” trong nghề báo
Một tổng biên tập báo khu vực phía nam phải nhìn nhận, các cây bút trẻ hiện nay luôn bị vấp nhiều lỗi mà các thế hệ trước “ít đụng phải”. Đó là lỗi chính tả, lỗi trình bày, và lỗi nhầm lẫn chi tiết.
Mà ba lỗi này, lại liên quan rất mật thiết đến 3 điều “cấm kỵ” với dân viết báo, vốn là những bài học nằm lòng với các nhà báo thế hệ cũ. Ba điều cấm kỵ ấy, cũng chính là 3 “cái đừng” cần rèn giũa để giúp các phóng viên hạn chế vấp phải lỗi khi làm bài.
Đừng tham đề tài
Nguyên nhân vấn đề này, là “cánh trẻ” luôn có khả năng phát hiện đề tài tốt hơn, đặc biệt là các đề tài tương cận nhau trong cùng 1 trường liên tưởng. Đơn cử về đề tài giao thông, khi đề cập đến, các phóng viên trẻ sẽ chạm ngay vào 1 loạt các vấn đề như phương tiện cá nhân, công cộng, thực trạng hạ tầng, quy hoạch, năng lực quản lý giao thông… Khi đặt mình trong 1 bối cảnh quá nhiều vấn đề như vậy, phóng viên trẻ sẽ… bị lạc và rất nan giải để xác định ra lĩnh vực nào nên đầu tư làm bài.
Thậm chí khi đã chọn ra đề tài, bản thân phóng viên trẻ lại sa vào hàng loạt ý tứ thông tin, các vấn đề, góc cạnh nhìn nhận, mổ xẻ vấn đề, rồi các dữ kiện thu thập được qua các đầu mối cung cấp thông tin, đối tượng phỏng vấn, tìm hiểu viết bài… Có phóng viên mê mải đi thu nhặt tài liệu, tiếp cận hàng loạt đối tượng xong, mang về rồi… rối bù trong khối lượng dữ liệ có được, không nghĩ ra hướng triển khai 1 bài viết nào cho hoàn hảo.
Chính bị lỗi này, mà người viết trẻ dễ sa vào lỗi trình bày… ngớ ngẩn, lủng củng, dẫn dắt người đọc lan man hết vấn đề này qua vấn đề khác, thể hiện rất nhiều thông tin nhưng lại chẳng có dữ kiện nào đặc sắc được đưa ra. Các bài viết vì thế dài dòng, có rất nhiều nội dung song chẳng đúc kết được vấn đề.
Hãy chọn chính xác 1 vấn đề, thậm chí chỉ cần 1 ý cụ thể của lĩnh vực cần mô tả, để xây dựng nên cấu tứ bài viết, đó là cách làm của các thế hệ cầm bút lớn tuổi. Đề tài cụ thể sẽ tạo nên bài viết cụ thể.
Đừng quên chi tiết
Vấn đề này khó nhìn ra hơn, bởi với mỗi mạch văn khi viết, người viết thường tạo ra lập luận nhất định. Nhưng nhiều người viết trẻ khi quá mê mải theo các đề tài, sự dẫn dắt của cảm hứng sáng tạo, sẽ bỏ quên các chi tiết đắt giá, có khi quyết định hiệu quả của cả bài. Thậm chí trong 1 số trường hợp, do ngẫu hứng, người viết còn tạo ra những chi tiết “hớ hênh”, nhầm lẫn, như tả 1 bầu trời đầy sao trong tiết trời ảm đạm cuối thu…
Theo 1 vài thư ký tòa soạn, biểu hiện của sự sai lệch chi tiết này, lại dễ tìm ra ở… lỗi chính tả, câu què câu cụt, câu tối nghĩa. Điều này gắn với tư duy logic của người viết không mạch lạc, thống nhất, và người viết không đủ cẩn thận để rà soát lại bài viết. Càng không nhớ rõ các chi tiết, người viết thường càng cố “tô vẽ chống chế” bằng những từ ngữ sáo rỗng khi tả về vấn đề, và hệ quả kéo theo là các lỗi chính tả, lỗi bố cục đoạn văn… hiện ra.
Để xử lý vấn đề này, nhất thiết người viết nên biết chọn lọc, phát hiện các chi tiết trong quá trình xử lý thông tin của mình, tìm kiếm được những tình tiết cá biệt trong vấn đề đang giải đáp. Khi thấy những chi tiết “đắt giá”, người viết hãy nhanh chóng “chộp lấy” chứ đừng khất hẹn để sau đó lục tìm lại không có.
Đừng lệ thuộc mạng
Vấn đề này được đặt ra mang tính thách thức và cấp thiết với nhiều người viết trẻ hiện nay, khi chất lượng đường truyền băng thông rộng Internet ngày càng được cải thiện mở rộng. Giờ đây, với các công cụ tra cứu online, người viết sẽ rất dễ tiếp cận các kho tư liệu, các thông tin đăng tải liên quan vấn đề mình có, nên việc xử lý sưu tập thông tin trở nên đơn giản hơn.
Tuy nhiên, lệ thuộc quá nhiều vào thông tin mạng sẽ dẫn người viết đến những hệ quả đáng buồn, mà tiêu biểu là… nhầm lẫn chi tiết. Do không phải nguồn dữ liệu online nào cũng đáng tin, và việc tra cứu không phải lúc nào cũng đích xác, người viết sẽ rất dễ bị nhầm lẫn giữa các thông tin với nhau.
Hơn nữa, khi cầm bút viết, người viết sẽ có 1 cảm hứng khác biệt hẳn so với việc sử dụng các công cụ trực tuyến. Việc sắp xếp, chọn lọc các minh họa, chi tiết vấn đề tự phát hiện, đọc thấy… của người viết sẽ được xử lý tốt hơn là “bị lạc” trong thế giới từ khóa tra cứu được trên mạng Internet.
Cách xử lý vấn đề này sẽ khó khăn với các nhà báo trẻ hơn, là hãy tự mình ghi ra những thông tin mình có trong đầu, theo lập luận của mình, trước khi tiến hành tra cứu 1 dữ kiện nào đó trên mạng. Tự rà soát lại kiến thức, thông tin mà mình có sẽ khiến người viết trẻ tự tin và lập luận tốt hơn. Internet, vì thế cần phải được giới hạn nhất định với người cầm bút, để họ không bị dẫn dắt thông tin và làm thui chột đi năng lực sáng tạo.
Hy vọng với cách thức làm việc, cố gắng giới hạn “3 cái đừng” đã chỉ ra, các bạn viết trẻ sẽ nhận ra rõ ràng năng lực ấn định đề tài, chi tiết hiệu quả nhất và quan trọng hơn, tự chủ được luồng thông tin của mình !
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo