Việt Nam cam kết đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư
Việt Nam hướng đến kinh tế thị trường đầy đủ hơn và cam kết tiếp tục cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh gửi tới các nhà tài trợ, các đối tác phát triển của Việt Nam vào cuối tuần qua tại cuộc gặp gỡ nhân dịp năm mới Ất Mùi sắp đến.
“Việt Nam đã có một năm 2014 phát triển thật ấn tượng, với tăng trưởng GDP lần đầu tiên sau 3 năm qua đã vượt mục tiêu đề ra, đạt 5,98%, lạm phát được kiềm chế tốt... Đạt được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực của Việt Nam, nhưng cũng nhờ sự hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển của Việt Nam. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chân tình nói và một lần nữa nhắc tới sự hỗ trợ của các đối tác phát triển trong cung cấp nguồn lực ODA quý báu cho Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội.
“Năm 2014, giải ngân ODA đã tốt hơn, theo đúng tiến độ cam kết. Nhiều công trình, dự án lớn, như cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Nội Bài, các bệnh viện... đã mọc lên từ sự hỗ trợ của các đối tác phát triển”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, cách đây ít ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã họp với nhóm 6 ngân hàng tài trợ quốc tế nhằm đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, dự án ODA trong năm 2015. Tại phiên họp này, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển đã đánh giá cao việc trong năm 2014, Việt Nam đã giải ngân được 5,6 tỷ USD vốn ODA, trong đó vốn vay là 5,25 tỷ USD, còn vốn viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD. Đây là mức giải ngân kỷ lục, được cho là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ trong tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ của nhiều dự án quan trọng.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA cho biết, năm 2014, các dự án quy mô lớn như Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Nội Bài, Dự án Cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng P4R, Dự án Đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... đã có mức giải ngân tốt và đóng góp lớn cho giải ngân ODA của cả nước.
“Chúng tôi cam kết sử dụng hiệu quả hơn nữa vốn ODA để không phụ lòng những người dân nước bạn đã chắt chiu dành dụm để dành nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Song không chỉ là hỗ trợ nguồn lực ODA, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã đánh giá cao vai trò của các nhà tài trợ, các đối tác phát triển trong việc hỗ trợ Việt Nam cải cách thể chế, xây dựng chính sách để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Năm 2013, sau 20 năm tổ chức Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã thống nhất đổi mới Hội nghị CG theo hướng là một diễn đàn đối thoại mở rộng, với sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam, với tên gọi Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Vì vậy, VDPF đã tập trung đối thoại thực chất và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển, cũng như các thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cho đến nay, hai kỳ VDPF năm 2013 và 2014 đã được tổ chức thành công và cho thấy tính hiệu quả của mô hình hợp tác này. “Việc VDPF được tổ chức theo phương thức này thực sự rất hiệu quả và thiết thực. Sau khi thảo luận, thống nhất nhận thức, cả hai bên đã cùng phối hợp hành động. Và không chỉ giúp về cơ chế, chính sách, các đối tác phát triển còn cam kết hỗ trợ nguồn lực để thực hiện. Đây là cách tiếp cận cần được tiếp tục duy trì trong các kỳ VDPF tới để đảm bảo các kết quả đối thoại cấp cao sẽ đi vào cuộc sống và bằng các biện pháp, hành động chính sách cụ thể”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Tại VDPF 2014, một trong những chủ đề được tập trung thảo luận là cải cách thể chế kinh tế, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một trong những người khởi xướng. Liên quan vấn đề này, tại cuộc gặp gỡ cuối năm, Bộ trưởng đã vui mừng thông báo, năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một loạt dự luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhằm cải cách thể chế kinh tế.
“Không còn con đường nào khác, Việt Nam phải hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn với kinh tế thế giới, vì thế, sẽ phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi sẽ hướng tới thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ hơn và hiện đại hơn, đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để người dân tham gia nhiều hơn vào các quyết sách lớn của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Cột tin quảng cáo