Thị trường

Việt Nam, Campuchia dỡ bỏ rào cản biên mậu

Tạo môi trường thương mại đường biên thông thoáng là tâm điểm của hội nghị “Việt Nam - Campuchia hợp tác phát triển thương mại biên giới” diễn ra ngày 9-1 tại Bình Phước.


Toàn tuyến biên giới phía Việt Nam hiện có 140 chợ, trong đó có 97 chợ biên giới, 6 chợ cửa khẩu, 37 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh biên giới khác nhau, nên hệ thống chợ chưa phát triển đồng đều, quy mô nhỏ, chưa khai thác hết lợi thế và tiềm năng của các địa phương.

Để khai thác tốt thương mại đường biên, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất lập Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020.

Ngày 8-1, hai nước tổ chức động thổ dự án chợ biên giới thí điểm tại Khu kinh tế đặc biệt Thary (Campuchia).

Dù vậy, do hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới của hai nước đang trong quá trình hoàn thiện, nên hiệu quả pháp lý thấp, còn nhiều bất cập, gây trở ngại lớn cho các địa phương biên giới thu hút đầu tư.

Việc thực hiện mô hình một cửa, một điểm dừng tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) – Ba Vet (tỉnh Svay Rieng) còn gặp nhiều khó khăn. Một số tỉnh biên giới Campuchia còn hạn chế ô tô Việt Nam sang vận chuyển hàng hóa.

Đại diện tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần sớm đưa vào thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ mà hai nước đã ký kết nhằm tạo điều kiện cho việc vận tải phi thương mại đáp ứng nhu cầu của nhiều ngành nghề như du lịch.

Đồng thời cần nâng mức trị giá trao đổi hàng hóa không phải đóng thuế cho cư dân sinh sống tại đường biên hai nước lên mức 5 triệu đồng/ngày thay cho mức 2 triệu đồng/ngày hiện nay.

Đong tình với đề nghị này, Bộ trưởng cao cấp Bộ Thương mại Campuchia, ông Cham Prasidh, cho rằng, một số chợ đường biên trở thành chợ đầu mối, người dân Campuchia sẽ đến những chợ này mua sỉ mang vào trong sâu nội địa Campuchia bán lẻ, nên có thể nâng lượng tiền mang qua biên giới lên trên mức 5 triệu đồng.

Bộ trưởng Cham Prasidh cho biết, sắp tới sẽ tiến hành việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) với lượng hàng nhỏ mà người dân mua bán.

Khi có khoảng 2-3 xe công nông hàng nông sản là có thể làm hợp đồng ngay tại cửa khẩu để bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, cần nghĩ tới việc lập các ngân hàng chỗ cửa khẩu để tạo thuận lợi cho việc thanh toán của người dân. Để các ngân hàng mạnh dạn, có thể đưa ra chính sách như cho độc quyền hoạt động trong 3-4 năm, sau đó mới cho phép các ngân hàng khác tới hoạt động.

Ngoài ra, theo kiến nghị của các doanh nghiệp Campuchia, Việt Nam có thể nghiên cứu việc cho phép giờ mở cửa cửa khẩu dài hơn, đến 22h thay vì đến 17h như hiện nay. Đồng thời, nâng cấp các cửa khẩu phụ thành cửa khẩu quốc gia.

Tán thành ý kiến của Bộ trưởng Cham Prasidh, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần có những kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển giao thương giữa hai nước.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Tiền Phong)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo