Xã hội

Việt Nam cần chủ động trong phòng chống khủng bố

Trong buổi làm việc sáng 14/1, các thành viên của UBTV Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh - dự án luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIII.

Đối với dự án Luật Phòng, chống khủng bố, đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII. Đa số ý kiến UBTV Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã kế thừa các quy định có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm và được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố, do đó, về cơ bản các quy định trong dự thảo luật bảo đảm tính khả thi.

Việc phòng, chống khủng bố đảm bảo nguyên tắc chủ động. Tổ chức các ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố là phù hợp với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố, không để tình huống khủng bố diễn ra đột xuất, bất ngờ. Do vậy, cần phải quy định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp Trung ương và cấp địa phương hoạt động thường xuyên theo chế độ kiêm nhiệm. Theo đó, luật cần quy định cụ thể thành phần ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố và nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của ban chỉ đạo này.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống khủng bố của Nhà nước ta và thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp hoặc trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng khủng bố quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố cần phải được nghiên cứu thận trọng để bảo đảm tính chặt chẽ, trước hết là phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, phù hợp với hoạt động thực tiễn của ta.

Có ý kiến cho rằng, khi xảy ra tình huống khủng bố thì việc tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền nhằm định hướng dư luận, ngăn chặn tác động lan truyền của khủng bố, không để các thế lực thù địch vu cáo, tác động gây phức tạp tình hình và bảo đảm cho công tác điều tra, xử lý là rất quan trọng. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về công tác thông tin, báo chí khi xảy ra tình huống khủng bố...

 


Hồng Lĩnh (Theo CAND)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo