Phân tích

Việt Nam cần đổi mới bộ máy Nhà nước khi vào TPP

(DNVN) - Trả lời báo chí, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, hiện bộ máy Nhà nước vẫn còn cồng kềnh và kém hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để cải cách, từ hải quan, thuế đến thủ tục hành chính… nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều bất cập tồn tại.

Xung quanh vấn đề về cơ hội của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trả lời baochinhphu.vn, GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết muốn đánh giá vấn đề này nên đặt chung trong tổng thể nước ta đã hội nhập sâu, rộng với thế giới.

Bởi theo GS. Nguyễn Mại, trước đây, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta đã phải tiến hành đàm phán dai dẳng trong 3 năm trời do tiềm lực của ta khi đó còn hạn hẹp mà tiêu chuẩn vào WTO thì khá cao. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, tình hình Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Chúng ta không những đã vượt qua được thách thức lớn đến từ khủng hoảng kinh tế thế giới mà còn ổn định tốt nền kinh tế vĩ mô và phát triển hiệu quả các tiềm lực trong nước.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mại. Nguồn: Internet.

Vì vậy, khi đến với TPP, chúng ta là một trong 12 thành viên bình đẳng để cùng nhau hình thành nên một hiệp định mới. Nó khác với việc chúng ta phải đàm phán để gia nhập ASEAN hay vào AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), vì chúng ta phải theo những gì các nước ASEAN khác đã quy định từ trước và quan trọng nhất phải cam kết hoàn thành đúng những tiêu chuẩn đã có sẵn. Tương tự đối với WTO với những khuôn khổ sẵn có, chúng ta cũng phải cố gắng đáp ứng đủ điều kiện mới có thể gia nhập.

Nhưng với TPP, vấn đề đã hoàn toàn khác khi Việt Nam là một thành viên bình đẳng trong 12 nước cùng đàm phán. Quá trình này tuy diễn ra trong hơn 5 năm, nhưng Việt Nam đã tham gia với tư cách là một thành viên sáng lập. Trong đàm phán, chúng ta cũng đã chứng minh có đủ năng lực để có thể cùng bàn bạc và giải quyết những vấn đề hóc búa nhất của nền kinh tế thế giới như vướng mắc về ô tô giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ hay về dược phẩm giữa Australia và Hoa Kỳ.

"Vì vậy, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, rõ ràng vị thế của Việt Nam trong TPP đã hoàn toàn khác so với khi chúng ta vào ASEAN hay WTO. Việc Việt Nam cùng với các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… tham gia TPP với tư cách là thành viên bình đẳng đã cho thấy vị thế của nước ta đang ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế", GS. Nguyễn Mại nhận định.

Vào TPP - cơ hội hút dòng vốn ngoại

 Giáo sư Nguyễn Mại cũng cho rằng, TPP chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội lớn để thu hút FDI vào Việt Nam, nhất là từ Hoa Kỳ.

 

Theo ông Mại, từ khi có Hiệp định Thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam (BTA), giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng từ hơn 1 tỉ USD năm 2000 lên mức hơn 30 tỷ USD như hiện nay. Tuy nhiên, FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực là do các DN Hoa Kỳ thường có đòi hỏi rất cao về sự công khai minh bạch pháp luật, thủ tục hành chính và nhất là sở hữu trí tuệ - những phương diện đã được TPP đáp ứng tốt. Bên cạnh đó, với TPP, hàng hóa từ Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất 0% cũng là lợi thế quan trọng thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam đang được quốc tế cũng như các DN Hoa Kỳ đánh giá rất cao. Đến năm 2020, chúng ta sẽ có gần 100 triệu dân, trong đó tầng lớp có thu nhập trung bình theo tính toán của các nhà kinh tế sẽ khoảng 15 triệu người (15%). Những đối tượng này, với thu nhập tương đương khoảng 10.000 USD/người/năm sẽ là khách hàng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp như ô tô, điện thoại thông minh, tivi… là những ngành DN Hoa Kỳ có thế mạnh.

Chúng ta cũng có khoảng 45 triệu người dùng Internet, đứng thứ 17 trong các nước sử dụng Internet lớn nhất thế giới, con số được đánh giá là “ghê gớm”, cho thấy đây là thị trường mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ không thể bỏ qua. Đặc biệt, sau năm 2015, bất kỳ DN nào đầu tư vào Việt Nam đều có thể khai thác một thị trường chung ASEAN với hơn 600 triệu dân, tổng mức GDP khoảng 3.200 tỷ USD nhờ Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ngoài FDI từ Hoa Kỳ, TPP cũng sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI từ một số nước khác, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… vào lĩnh vực dệt, nhuộm và may mặc… Nhưng theo tôi, những khoản đầu tư này sẽ không đủ lớn để tạo đột biến. Còn thu hút FDI từ các nước TPP như Australia, Canada hay Nhật Bản có thể cũng không tăng nhiều. Tóm lại, cơ hội rõ nét nhất chính là thu hút FDI của Hoa Kỳ.

Đưa ra phương án để Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội mà TPP mang lại, ông Nguyễn Mại cho rằng, việc đầu tiên chúng ta phải làm là đổi mới bộ máy Nhà nước. Theo ông Mại, bộ máy Nhà nước vẫn còn cồng kềnh và kém hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để cải cách, từ hải quan, thuế đến thủ tục hành chính… nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều bất cập tồn tại.

 

Theo dự báo được đưa ra, Việt Nam sẽ đạt mức xuất khẩu gấp 2 lần hiện nay vào năm 2020, nghĩa là khoảng 300 tỷ USD. Như vậy, bộ máy hiện hành sẽ phải làm việc với hiệu quả gấp 2 lần vì không được tăng biên chế. Và như thế, nếu không đổi mới thì dù có cơ hội nhưng chúng ta cũng có thể để vuột mất.

Thứ hai là vẫn còn rất nhiều hiện tượng phiền hà, sách nhiễu và gây khó khăn cho DN, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt “chấn chỉnh” lĩnh vực này.

"Tôi cho rằng Nhà nước, DN và mọi người dân đều muốn tận dụng tốt cơ hội của hội nhập, trong đó có TPP. Vì thế, nếu không khắc phục được yếu kém, chúng ta sẽ tụt hậu", Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.

Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo