Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập xăng dầu năm 2016
Theo báo cáo, nhập khẩu xăng dầu năm 2016 tiếp tục có mức tăng trưởng khá về lượng do tình hình thị trường, giá cả xăng dầu thuận lợi, trong đó có việc thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt theo một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia tiếp tục được cắt giảm theo lộ trình.
Mặc dù vậy, do giá xăng dầu có mức giảm mạnh trong năm 2016 (bình quân giá xăng dầu cả năm 2016 đã giảm khoảng 22% so với năm 2015 và giảm khoảng 49% so với giá bình quân năm 2014) nên kim ngạch nhập khẩu xăng dầu năm 2016 vẫn giảm so với cùng kỳ.
Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, trong năm 2016, cả nước nhập khẩu gần 2,6 triệu tấn xăng, trị giá 1,23 tỷ USD, nhập khẩu dầu diesel đạt 6,8 triệu tấn, trị giá 2,76 tỷ USD, dầu ma-dút đạt 884 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, nhiên liệu bay 1,54 triệu tấn, trị giá 688 ngàn USD.
Theo quy định hiện hành, xăng dầu chỉ được nhập khẩu bởi các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Tính đến nay, có 30 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (trong đó 3 doanh nghiệp chỉ kinh doanh mặt hàng nhiên liệu hàng không).
Nhìn chung trong năm 2016, thị trường đã có nhiều yếu tố thuận lợi đối với hoạt động nhập khẩu xăng dầu. Do vậy, song song với việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã đẩy nhanh lượng nhập khẩu xăng dầu.
Xét về tổng kim ngạch, do yếu tố giá giảm nên tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu vẫn giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xét về tổng lượng, hoạt động nhập khẩu xăng dầu năm 2016 đã đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu thụ của thị trường nội địa.
Xăng dầu chủ yếu được nhập khẩu từ thị trường ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan), Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nga,... Cơ cấu thị trường nhập khẩu xăng dầu trong năm 2016 có sự biến động so với thời gian trước do tác động của việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do.
Cụ thể, nhập khẩu từ khu vực ASEAN chiếm tới 70% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu. Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ nhất trong số các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu (kim ngạch đạt 1,58 tỷ USD), tuy nhiên mức kim ngạch này giảm 22,6% so với năm 2015, cao hơn nhiều so với mức giảm kim ngạch chung của mặt hàng này (giảm 7,3%). Trong khi đó, Malaysia là thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể, đạt 1,18 tỷ USD, tăng 211% so với năm trước và vươn lên là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn thứ hai của Việt Nam.
Tương tự như vậy, với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết, nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Hàn Quốc tăng đáng kể do doanh nghiệp được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này (đặc biệt là đối với mặt hàng xăng có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định là 10%, thấp hơn mức thuế MFN và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định khác như ATIGA, ACFTA). Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 đạt 940 triệu USD, tăng tới 426% so với năm 2016 và vươn lên là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.
Trong khi đó, nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan,... đều ghi nhận kim ngạch giảm mạnh so với năm trước. Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 451 triệu USD, giảm 51% so với năm 2015. Nhập khẩu từ Đài Loan đạt 51,8 triệu USD, giảm 88,6%. Nhập khẩu từ Nga đạt 47,6 triệu USD, giảm 22,9%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines