Thị trường

Việt Nam có thể khai thác than vài trăm năm nữa

(DNVN) - Nếu bể than sông Hồng thử nghiệm thành công và đưa vào thăm dò mở rộng ở quy mô công nghiệp, cơ quan quản lý cho rằng thời gian khai thác than ở Việt Nam có thể kéo dài vài trăm năm.

Theo bản quy hoạch ngành than điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Bộ Công Thương công bố ngày 31/8, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030. 



Năm 2016, sản lượng than thương phẩm sản xuất có thể đạt 44 triệu tấn. Ảnh VNE.

Bản quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành thăm dò bể than Đông Bắc sau 4 năm nữa. Đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ than để huy động vào thiết kế trong giai đoạn 2021-2030 và sau 2030. Báo Vnexpress thông tin. 

Với bể than sông Hồng, quy hoạch đặt ra trước năm 2020 hoàn thành thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải – Thái Bình; trên cơ sở thử nghiệm, sẽ tiến hành thăm dò mở rộng để làm cơ sở phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.

Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu Việt Nam còn có thể khai thác than trong bao lâu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, với nguồn tài nguyên khai thác hiện tại dự kiến thời gian khai thác than còn kéo dài “vài trăm năm nữa”.

Ông Lê Văn Duẩn - Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin tính toán, hiện tại Việt Nam vẫn tập trung khai thác bể than Đông Bắc với tổng trữ lượng còn lại khoảng 6,2 tỷ tấn. Nếu tính bình quân mỗi năm khai thác 50 triệu tấn, thì riêng trữ lượng than tại bể Đông Bắc còn khai thác được 40-50 năm nữa. Chưa kể, nếu quá trình thử nghiệm bể than sông Hồng thành công (trữ lượng khoảng 42 tỷ tấn than), thì tài nguyên than còn có thể khai thác vài trăm năm nữa.

Theo đại diện TKV, theo kết quả thăm dò mới nhất, than là một trong số các khoáng sản có sản lượng khai thác được lâu nhất trong số các nguồn năng lượng sơ cấp. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là dự tính. Việc có khai thác được hay không phụ thuộc vào khả năng phát triển công nghiệp khai thác của ngành than. Báo Vneconomy thông tin.

 

Đại diện TKV cũng cho hay, theo quyết định điều chỉnh quy hoạch lần này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm). Trong đó, riêng giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm).

Một điểm cũng đáng lưu ý, tại quy hoạch điều chỉnh, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 dự kiến khoảng 269.003 tỷ đồng thấp hơn so với quy hoạch cũ lên tới 421.970 tỷ đồng.

Giải thích về việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, nguyên nhân điều chỉnh vốn đầu tư là do theo quy hoạch, sản lượng than thương phẩm sẽ giảm rất mạnh. Cụ thể vào năm 2020 đạt từ 47-50 triệu tấn sau đó nâng lên 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi yêu cầu đề ra cho quy hoạch cũ (quy hoạch 60) thì sản lượng than khai thác lên tới 60-65 triệu tấn vào năm 2020, sau đó nâng lên trên 75 triệu tấn vào năm 2030.

Trả lời câu hỏi về việc đầu tư trên 19 nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ mang lại hiệu quả cho kinh tế - xã hội như thế nào, đại diện Bộ Công Thương, khẳng định việc khai thác than sẽ đảm bảo an ninh năng lượng đầu tiên, tiếp đó là an sinh xã hội.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn, ông Thọ cho biết thêm, trong quy hoạch điều chỉnh đã tính tới nhiều phương án, trong đó sẽ hướng tới việc đa dạng hình thức huy động vốn, gồm các hình thức BOT, PPP... 

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo