Quốc tế

Việt Nam có thể tự tin trên biển Đông

Nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ năm 1993 đến 1996 và làm việc, tìm hiểu Trung Quốc trong nhiều năm, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy là người rất am tường vấn đề Trung Quốc.

Từ lâu nay ông đã lên tiếng về việc báo chí Trung Quốc tuyên truyền không đúng thực tế về Việt Nam.

 

 

Ông cũng cảnh báo rằng Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước đi ngang ngược hơn của Trung Quốc. Ông nói:

 

 

- Nếu nói về chuyện tuyên truyền của Trung Quốc, tôi buộc phải nói rằng, hơn 30 năm qua, người dân Trung Quốc đã được truyền thông Trung Quốc nhuộm đen cách nhìn của họ về Việt Nam. Họ ngang nhiên nói rằng Việt Nam chiếm đất của họ, rồi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã chiếm của họ, họ nói Việt Nam chiếm nguồn dầu khí của họ...

 

 

Cần hiểu những luận cứ của Trung Quốc về chủ quyền, 1986 để tranh thủ nhân dân Nhật Bản, thì chính tờ Nhân dân Nhật báo có bài viết công nhận rằng quần đảo Senkaku là của Nhật. Giờ họ mới lật lại là của Trung Quốc. Luận cứ của Trung Quốc đổi trắng thay đen, ngang ngược miễn là có lợi cho Trung Quốc. Tôi đã đến Hải Nam, chính là chỗ mà Trung Quốc gọi là chân trời góc biển trong sử sách của họ.

 

 

Từ 1949 thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc làm gì có chỗ đứng ở biển Đông. Năm 1956, Trung Quốc thừa cơ nhân dịp Pháp rút lui, chưa kịp bàn giao nửa tây quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền Sài Gòn thì họ mang quân ra chiếm. Tháng giêng năm 1974 khi được Mỹ bật đèn xanh, Trung Quốc mang quân chiếm nốt nửa phía đông Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn.

 

 

Hoàn Cầu thời báo là của Nhân dân Nhật báo. Vậy phải chăng họ cố tình đưa ra những thông tin trái ngược để đánh lừa dư luận?

 

 

- Trung Quốc luôn có chuyện như vậy. Thời báo Hoàn Cầu là con đẻ của Nhân dân Nhật báo. Tân Hoa xã có Sina.com, mạng quân sự có mạng phụ là Trung Quân võng... Tất cả các mạng phụ này không từ điều gì khi nói về Việt Nam, thậm chí cả kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.

 

 

Rõ ràng họ đã được bật đèn xanh, làm đa số người đọc người dân Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam là kẻ thù của Trung Quốc.

 

 

Từ việc cắt cáp tàu Bình Minh, mời thầu dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, thành lập thành phố Tam Sa... Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược, bằng hành động với  Việt Nam?

 

 

- Chúng ta phải tính trước các hành động của Trung Quốc. Họ có thể sẽ cho lính giả làm dân ra xây dựng nhà giàn. Thậm chí có thể họ chiếm một đảo ở quần đảo Trường Sa của ta hiện nay để thử phản ứng của Việt Nam và thế giới ra sao. Nếu không có vai trò các nước lớn, ASEAN không đoàn kết thì Trung Quốc có thể làm tất cả.

 

 

Hiện nay, Trung Quốc không được thế giới tán thành trên vấn đề biển Đông. Trung Quốc biết nếu làm quá Trung Quốc sẽ bị trừng phạt. Chính người Trung Quốc đã viết bài trên các mạng của họ với tiêu đề “Giả sử phương Tây cấm vận Trung Quốc lần nữa”.

 

 

Họ nói nếu bị cấm vận, chỉ sau 3 năm là máy bay, tàu hỏa cao tốc của họ không có phụ tùng nhập khẩu để thay thế, không bay, không hoạt động được nữa, các ngành điện tử của họ sụp đổ vì phải dựa vào nhập khẩu...

 

 

Chúng ta đang thuận lợi, có ai ủng hộ Trung Quốc đâu. Đây là điều Trung Quốc phải suy ngẫm. Nhưng phải chuẩn bị họ sẽ có hành động cụ thể. Tôi rất ủng hộ lãnh đạo PVN nói, các phương tiện Việt Nam hợp tác với các nước đang thăm dò ở 9 lô Trung Quốc mời thầu vẫn hoạt động bình thường. Phải có sự tự tin thì mới hoạt động bình thường chứ.

 

 

Thưa ông, Việt Nam có thể dựa vào những yếu tố gì để tự tin?

 

 

- Bây giờ Việt Nam chưa giàu nhưng GDP 100 tỉ USD, thu nhập bình quân hơn 1.000USD. Việt Nam có quan hệ ngoại giao, làm ăn hợp tác với gần 150 nền kinh tế, quân đội của ta giờ trang bị cũng khác trước, ta có tàu ngầm, tên lửa, máy bay hiện đại...

 

 

Tại sao Trung Quốc chỉ trích việc máy bay Sukhoi của ta tuần tra ở Trường Sa? Vì đó là máy bay rất hiện đại. Chúng ta còn yếu tố thiên thời địa lợi. Trung Quốc thừa nhận máy bay hiện đại nhất của họ vừa đến Trường Sa phải bay về nếu không tiếp dầu. Người Trung Quốc phải công nhận rằng đánh chiếm Trường Sa thì dễ, nhưng giữ Trường Sa vô cùng khó.

 

 

Nếu xung đột trên biển Đông, tàu Trung Quốc chở dầu từ Trung Đông về gặp khó khăn. Trung Quốc mỗi năm nhập hơn 200 triệu tấn dầu. Họ cố thảo luận với Ấn Độ mở thêm một đường nữa miễn không phải qua biển Đông nhưng chưa được.

 

 

Họ khoe có 3 triệu quân thường trực, 10 triệu dự bị, có thể huy động 100 triệu thanh niên. Nhưng nếu họ không được rèn luyện thử thách, và đặc biệt họ chiến đấu không vì chính nghĩa, thì đó là lợi thế của chúng ta.

 

 

Không ai muốn xung đột ở biển Đông. Nhưng cần nhớ biển Đông không chỉ là bá quyền, mà là lợi ích sống còn của Trung Quốc. Và phải nói sòng phẳng, chủ quyền không phải là vấn đề nhân nhượng, mặc cả được. Phải chuẩn bị tư tưởng cao nhất nếu Trung Quốc có bước tiến xa nữa.

 

 

Trong thế giới hội nhập này, khi luật pháp được nêu lên thì Trung Quốc vẫn phải tôn trọng. Nhưng vẫn xin nhắc lại, bài học lịch sử cho thấy ta phải đề phòng khả năng xấu nhất.

 

 

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng chúng ta cũng đang mở rộng hợp tác với các nước?

 

 

- Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Từ khi chưa đứng chân trên biển Đông thì Trung Quốc đã bành trướng trên giấy, đã đặt tên hết các đảo rồi. Giờ đây họ xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm mà họ coi là thủ phủ của cái họ gọi là Tam Sa, đóng hàng không mẫu hạm, tuyên bố đấu thầu các đảo không có người ở... Chúng ta cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Chỉ khi nào chúng ta mạnh, tỏ rõ quyết tâm thì Trung Quốc mới coi trọng.

 

 

Chẳng hạn, ta có thể học tập điều mà Nga đã làm với Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai: Ký hợp đồng thuê mượn tàu của Mỹ. Nếu ta thuê thiết giáp hạm, khu trục hạm, vận động người Mỹ gốc Việt là sĩ quan hải quân giúp vào, trên biển Đông Việt Nam sẽ có tư thế khác. 

 

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

"Nếu không có vai trò các nước lớn, ASEAN không đoàn kết thì Trung Quốc có thể làm tất cả".

 

Ông Dương Danh Dy

 

 

 

Theo

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo