Phân tích

Việt Nam đang ở thời điểm 'quyết định' để chuyển đổi mô hình phát triển

(DNVN) - Đây là nhận định được ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra tại Diễn đàn Chính sách thương mại về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây.

Theo ông Võ Trí Thành, Hiệp định TPP cùng với các Hiệp định FTA Việt Nam đã đang và sẽ tham gia có 3 ý nghĩa lớn. Theo đó, các Hiệp định sẽ là chất xúc tác đối với hoạt động kinh tế đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam; thu hút đầu tư và đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam; đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam và sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch trong dài hạn tạo hiệu quả tốt hơn cho phân bổ nguồn lực đầu tư. 

Dựa trên cơ sở đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định: “Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Ông Thành cũng cho rằng, Việt Nam đang cần có một động cơ mới để cải cách và những cải cách trong nước phải tương thích với những cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Theo ông Thành, sau 30 năm đổi mới và mở cửa, đất nước đã đạt được hàng loạt các thành tựu ấn tượng như trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và là nền kinh tế rất mở.

Các đại biểu tham vấn tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công không hiệu quả. Bên cạnh đó, chi phí cho kinh doanh hiện đang còn rất cao, hơn nữa khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng.

Theo ông, tham gia hội nhập nói chung, ngành nghề mạnh yếu thế nào vẫn có thể tham gia được. Tuy nhiên, cần tái cơ cấu ngành nghề thậm chí nếu cần có thể chuyển dịch sang ngành nghề, lĩnh vực khác phù hợp hơn với môi trường cạnh tranh và lợi thế của mình. Nói đến khó khăn không phải là để sợ hãi, mà thay vì lo cạnh tranh trên sân nhà, các ngành nghề cần vươn ra các thị trường bên ngoài. Khi có sân chơi rộng hơn, lợi thế so sánh của ngành nghề không chỉ phát huy trên chính sân nhà mà có thể phát huy trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Miriam Garcia Ferrer - Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội) nhận định Việt Nam sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức khi tham gia FTA Việt Nam – EU như cải cách doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, cải cách thể chế, thực hiện chỉ dẫn địa lý, đảm bảo minh bạch pháp lý, và bảo vệ các nhà đầu tư. 

Bà này cho biết “cải cách thể chế là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý”, và chỉ ra Việt Nam cần thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bỏ trợ cấp, thúc đẩy cạnh tranh...

Tại Diễn đàn, ông Claudio Dordi - Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP đã đưa ra một số đề xuất đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng những lợi thế của mình khi tham gia vào EVFTA. 

 

Theo đó, về phía Chính phủ, theo ông, cần cung cấp thông tin rõ ràng cho doanh nghiệp về thời hạn, chi tiết của EVFTA và các Hiệp định khác; thực hiện cải cách thể chế vì đây chính là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý; đồng thời xây dựng chiến lược rõ ràng về chỉ dẫn địa lý ở cấp quốc gia và địa phương từ đó thúc đẩy kiểm soát quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu,...

Đối với doanh nghiệp, ông cho rằng Claudio Dordi các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào quy tắc xuất xứ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm; nghiên cứu các loại hình kênh phân phối ở EU; nâng cao chất lượng/ độ an toàn của các sản phẩm quốc gia, trong đó lưu ý tới Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); và lường trước những chỉnh sửa trong Hiệp định FTA Việt Nam – EU (nhân công, môi trường, IPR…).

Phát biểu tại Diễn đàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thách thức trước hết đến từ vị thế, năng lực còn thấp và những trở ngại bên trong của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. 

Tuy vậy, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do mới cũng mang tới cho nước ta rất nhiều cơ hội như cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng xuất khẩu; thu hút đầu tư, nâng chất lượng FDI; tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; phát triển giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội; hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu; nâng dần vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu...

Để có thể tận dụng được những cơ hội mà các FTA mang lại, bà Phạm Chi Lan cho rằng về phía Chính phủ cần tăng cường nội lực để hấp thụ và tận dụng hiệu quả ngoại lực; nâng cao kỷ luật, hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, ODA và các nguồn vốn vay từ trong và ngoài nước.

 

Đồng thời thực hiện một chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế hợp lý, bao gồm cả phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ có trọng tâm; biến khu vực tư nhân thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế; và thu hút các tập đoàn lớn và DNNVV có năng lực về công nghệ và kinh doanh hiện đại.

Nên đọc
HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo