Thị trường

Việt Nam đang trong thời kỳ đô thị hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á

(DNVN) - Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo phân tích vĩ mô của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) công bố ngày 4/1/2017.

Báo cáo nêu rõ, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, một nền kinh tế năng động có mức hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao với tổng kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 360 tỷ USD, gấp 1.7 lần GDP và đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và khu vực.

Nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốc độ trên 6.5%: GDP lập đáy với mức tăng bình quân 5.88% giai đoạn 2011-2015, hồi phục từ 2005 và duy trì đà tăng khoảng 6.2% trong năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến tăng trưởng từ 6.5% đến 7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.228 USD và dự kiến tăng lên mức 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020. Thu nhập dân cư tăng giúp thị trường trong nước trở thành một trong động lực tăng trưởng quan trọng và tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phát triển.

Ảnh minh họa.

Lực lượng lao động đông đảo, cơ cấu dân số vàng tạo thuận lợi tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới: Dân số Việt Nam ước 94.44 triệu người, chiếm khoảng 1.27% tổng dân số thế giới và xếp hạng 14 dân số thế giới. Độ tuổi trung bình của người dân là 30.8 tuổi, tỷ lệ đô thị hóa 35%. Lực lượng lao động trên 15 tuổi là 52.84 triệu người, chiếm 56.5% dân số. Số lượng lao động trên 45 tuổi đạt 19.72 triệu người (trên 50 tuổi là 13.89 triệu hay 14.9%) tương đương 21.1% lực lượng lao động và sẽ chuyển sang phụ thuộc trong 10-15 năm tới. Cơ hội từ cơ cấu dân số vàng trước khi chuyển sang già hóa trong 18 - 20 năm theo nhận định của World Bank.

Kinh tế tư nhân được chú trọng và là động lực tăng trưởng quan trọng: Kinh tế tư nhân với hơn 500.000 doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp đóng góp 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ (giai đoạn 2006-2015). Thông điệp được đưa ra là Doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện phát triển ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; tham gia vào thoái vốn Nhà nước. “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” xóa mệnh lệnh hành chính, gỡ bỏ những thủ tục rào cản thủ tục ở nhiều ngành nghề.

Quy mô thị trường chứng khoán tiếp tục mở rộng với kỳ vọng đạt 80%/GDP vào năm 2020: Năm 2016, vốn hóa thị trường tăng 30% và bằng 42% GDP nhờ đẩy mạnh niêm yết trên sàn giao dịch chính thức. So với vốn hóa bình quân 88.6%/GDP của 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia (121%), Thailand (103%), Phillipine (82.5%) và Indonexia (48%) thì mức vốn hóa thị trường Việt Nam hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Mục tiêu vốn hóa 80%/GDP vào năm 2020 (~ 200 tỷ USD) là khá tham vọng nhưng không hẳn là quá xa nhờ: Các công ty nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa và phải niêm yết trong 1 năm kể từ cổ phần hóa; 777 công ty đại chúng chưa niêm yết hay đăng ký giao dịch; Hoạt động niêm yết của khối doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy nhanh đô thị hóa với tốc độ nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng đều 3.4%/năm): Mục tiêu năm 2020 dân số đô thị khoảng 44 triệu người ( hiện tại 32.3 triệu năm 2016), chiếm 45% dân số đô thị cả nước, năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước. tạo nền tảng cho sự phát triển hạ tầng và đô thị cũng như các ngành – lĩnh vực có liên quan, thúc đẩy tăng trường GDP hàng năm và thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo