Môi trường

Việt Nam đề xuất hai loài rùa cấm buôn bán quốc tế

Tại Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp 16, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra đề xuất chuyển hai loài rùa vào nhóm nghiêm cấm buôn bán quốc tế.

(Dân Trí) Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã phối hợp với Ban thư ký CITES quốc tể tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 16 (CoP16) và Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tổ chức này.

CoP16 được tổ chức với 3.000 đại biểu đến từ 178 quốc gia thành viên và gần 200 các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ. Đoàn Việt Nam tới dự Hội nghị với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với sự hỗ trợ của tổ chức WCS, lần đầu tiên sau gần 20 năm tham gia CITES, Việt Nam đưa ra đề xuất chuyển hai loài rùa - rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons) và rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) từ Phụ lục II (cần giấy phép) lên Phụ lục I của CITES (nhóm nghiêm cấm buôn bán quốc tế). Đồng thời Việt Nam cũng phối hợp với Thái Lan đề xuất đưa loài gỗ trắc (Dalbergia cochinchinensis) và phối hợp với Hoa Kỳ đề xuất đưa họ rùa đầu to (Platysternidae) vào Phụ lục II. Việc đưa ra các đề xuất này đã thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam đối với công tác bảo tồn các loài hoang dã trên toàn cầu, được nhiều nước thành viên CITES và tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.

Tại cuộc họp bàn tròn Bộ trưởng các nước thành viên CITES và họp Bộ trưởng các nước ASEAN, nhiều quốc gia đã đưa ra cam kết tăng cường sự hợp tác nhằm đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đối với loài hoang dã và lâm nghiệp. Phát biểu tại các phiên họp Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các bên để giải quyết những vấn đề liên quan tới tội phạm đối với các loài hoang dã và lâm nghiệp ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, viết tắt là CITES đã ra đời từ năm 1973. Tới nay đã có 178 nước thành viên, Việt Nam là nước thứ 121 tham gia Công ước vào năm 1994. CITES điều chỉnh việc buôn bán quốc tế hơn 35.000 loài động vật, thực vật hoang dã bằng các cơ chế, chính sách và quy định quốc tế được áp dụng trên toàn thế giới.

 

Hồng Lĩnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo