Môi trường

Việt Nam: Hơn một vạn người chết và mất tích bởi thiên tai trong 15 năm

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 15 năm trở lại đây các loại thiên tai như bão lũ, sạt lở, hạn hán, úng ngập... đã khiến 10.711 người bị chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Con số trên được đưa ra tại Hội thảo Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường,” được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 17/1.

Cũng theo Bộ này, dự báo cuối thế kỷ 21, hậu quả từ biến đổi khí hậu có thể khiến nhiệt độ ở Việt Nam tăng khoảng 4 độ C, nước biển có thể dâng cao khoảng 1m.

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Các chuyên gia về môi trường nhận định, chỉ cần nước biển dâng thêm 1m, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập 40%, đồng bằng Bắc Bộ ngập 11%, gây tổn thất khoảng 10% GDP và 12% dân số.

Việc nước biển dâng sẽ tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ cũng như các nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng tới sinh sản, truyền dịch của gia súc, gia cầm...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đang đặt ra một thách thức lớn. Chúng ta đã đưa ra các giải pháp, chương trình về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường song vẫn chưa hiệu quả, biến đổi khí hậu vẫn có nhiều tác động hiện hữu.”

Bởi vậy, Phó Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là cần lấy các ý kiến đánh giá hiện tượng, tác động; đưa ra được các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường bằng các giải pháp mạnh về trước mắt và lâu dài.

 

 

Thạch Thảo (Theo TTXVN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo