Việt Nam kêu gọi bảo vệ dòng Mê Công
“Tôi muốn nhấn mạnh đến điều đã gắn kết tất cả chúng ta ở đây - đó là dòng sông Mê Công. Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông để sông Mê Công luôn là kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Theo Thủ tướng trong thời gian tới, Tiểu vùng Mê Công mở rộng cần thúc đẩy các chương trình/dự án về môi trường và phát triển con người để tương xứng với hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế; đồng thời chú trọng hỗ trợ các nước thành viên chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và khôi phục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch.
Cùng với Ủy hội sông Mê Công (MRC), hợp tác GMS - cơ chế duy nhất hiện nay có sự tham gia của tất cả các nước ven sông Mê Công - có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.
Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhắc đến việc các quốc gia của khu vực đều chung dòng sông Mê Công, gần gũi về địa lý và văn hóa, có thể bổ trợ với nhau về kinh tế, do đó, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước khu vực để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cam kết sử dụng khoa học nguồn nước và sẵn sàng chia sẻ số liệu về khí tượng thủy văn của dòng sông Mekong.
Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của tiểu vùng Mê Công mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
End of content
Không có tin nào tiếp theo