Xã hội

Việt Nam là một trong ba nước có lao động di cư nhiều nhất ASEAN

Toàn cầu hóa dẫn đến di cư lao động ngày nay càng tăng, đang là xu thế không thể đảo ngược, nhằm thỏa mãn nhu cầu giải quyết việc làm cho nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển của nước tiếp nhận lao động nên có lợi cho cả hai quốc gia và người lao động di cư. Việt Nam đang chuyển động trong bối cảnh chung đó mà không là ngoại lệ.

Chính phủ Việt Nam xác định “xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước. Xuất khẩu lao động và chuyên gia phải được mở rộng và đa dạng hóa hình thức, thị trường xuất khẩu lao động, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nước ngoài về số lượng, trình độ và ngành nghề” đồng thời trực tiếp góp phần nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tăng nguồn thu ngoại tệ cho phát triển đất nước. 

 
Tuy nhiên, việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc còn có nhiều bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động tham gia dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài, khi còn ở trong nước họ là lao động xã hội, chưa có quan hệ lao động do đó chưa đủ điều kiện vận động họ tham gia tổ chức công đoàn Việt Nam. Do đó, cho đến nay các nỗ lực của công đoàn mới chỉ dừng lại trong các hoạt động gián tiếp tác động tới người lao động di cư nên hiệu quả còn chưa cao. Mặt khác trong Luật số 72/2006/QH.11 chưa quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của công đoàn. 
 
“Để bảo vệ lợi ích cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng, ngoài quy định pháp luật hai quốc gia còn là chất lượng các thỏa thuận quốc gia của chính phủ nước phái cử với chính phủ nước tiếp nhận. Do đó, khi đại diện Chính phủ Việt Nam đàm phán thỏa thuận quốc gia với chính phủ nước tiếp nhận đề nghị chính phủ cho phép có sự tham gia của đại diện Công đoàn Việt Nam trong đoàn đàm phán”, ông Trần văn Tư, Trưởng phòng Chính sách Kinh tế -Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ
 
Một số câu hỏi đặt ra đối với sự an toàn của những lao động di cư là: Các quốc gia cử lao động đi nước ngoài có thể thực hiện các biện pháp nào nhằm đảm bảo lao động di cư được cung cấp đầy đủ thông tin và quyền của họ tại quốc gia tiếp nhận, tiếp cận Đại sứ quán nước họ, các cơ quan chính phủ và các tổ chức dân sự xã hội có liên quan và tiếp cận Công đoàn, và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết thông qua các cơ chế khiếu nại đền bù sẵn có? Đây là một câu hỏi còn bỏ ngõ đối với các cơ quan chuyên trách của Việt Nam.
 
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, được đánh giá là đã có những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành luật pháp và chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trung ương, địa phương, với các ban quản lý lao động.
 
Tiến sỹ Nguyễn Lương Trào,  Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đánh giá: “Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao thương hiệu của mình và bảo vệ tốt hơn lao động di cư, tăng cường thông tin và các dịch vụ tốt hơn cho người lao động di cư nam và nữ, bảo đảm việc làm bền vững và hiệu quả trong điều kiện tự do, bình đẳng, an ninh và phẩm giá con người, tiến hành giáo dục định hướng toàn diện cho người lao động trước xuất cảnh…”
 
Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bỏ rơi người lao động nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ cao so với khu vực và người lao động vẫn mù mờ chưa biết thông tin gì về nơi làm việc của mình trước khi ra nước ngoài làm việc.
 
Với thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp và các tổ chức cần đảm bảo rằng các dịch vụ thông tin dễ tiếp cận hơn cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc. Người lao động cần theo dõi các kênh phân phối thông tin đa dạng trước khi làm việc, trước khi khởi hành và các thông tin trên trang thông tin điện tử, bao gồm cả các trường học và cơ sở đào tạo, các đại diện cộng đồng người di cư, các phương tiện truyền thông và các chiến dịch thông tin công cộng. Các tổ chức, cơ quan đưa lao động ra nước ngoài cần tiếp tục đánh giá chất lượng và tiếp cận dịch vụ thông tin cho người lao động di cư và khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu của người lao động.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo