Việt Nam là thị trường smartphone trọng điểm của Huawei
Việt Nam là một trong 15 thị trường trọng điểm về smartphone và thiết bị hạ tầng viễn thông của Huawei trên quy mô toàn cầu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam, Huawei còn “tham vọng” đưa thương hiệu Huawei lọt vào Top 3 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Ông Joe Kelly, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei đã chia sẻ kế hoạch này.
Huawei vừa công bố chiến lược đưa smartphone của Huawei tách top và lọt vào Top 3 nhà sản xuất điện thọai di động lớn nhất thế giới, ông có thể chia sẻ thông tin về kế hoạch này?
Huawei bắt đầu tập trung phát triển mảng di động từ năm 2010. Năm 2013, Huawei tiêu thụ được 52 triệu smartphone, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu của Huawei năm 2014 là tiêu thụ được 80 triệu smartphone. Cuối năm 2013, Huawei đứng thứ 3 trên thị trường smartphone với thị phần 4,9%, sau Samsung (31,3%) và Apple (15,3%) (Nguồn: IDC). Trong quý II/2014, thị phần smartphone của Huawei trên toàn cầu đã đạt 6,9%, tăng 95% so với đầu năm nay.
Mục tiêu của Huawei giữ tốc độ tăng trưởng của mảng hạ tầng 5-7%/năm và mảng thiết bị đầu cuối là 20%/năm, riêng mảng di động sẽ chiếm 30% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.
Để có thể đạt mục tiêu trên, Huawei sẽ tập trung vào 3 bước đi cơ bản.
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư đặc biệt vào R&D để đưa Huawei tách tốp lọt vào top 3 thương hiệu hàng đầu thế giới sau Apple và Samsung (hiện nay Huawei vẫn đứng vị trí thứ 3 thế giới nhưng thuộc nhóm 2).
Thứ hai, đầu tư tập trung xây dựng thương hiệu truyền thông số như tài trợ cho các hoạt động thể thao (hiện nay Huawei đang tài trợ cho các CLB bóng đá hàng đầu châu Âu như Arsenal, Atletico de Madrid, Borussia Dortmund …).
Thứ ba, xây dựng hệ thống phân phối đặc biệt ở các thị trường nước ngoài. Đồng thời ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Huawei còn đầu tư mở rộng kênh bán hàng trực tuyến.
Để đạt mục tiêu 80 triệu smartphone và lọt vào Top 3 nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Huawei sẽ tạo sự khác biệt gì cho mình?
Với chính sách lấy khách hàng làm trung tâm, Huawei sẽ tập trung đầu tư vào R&D dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng. Hiện nay, Huawei có 16 trung tâm R&D trên toàn cầu, tận dụng lợi thế của từng quốc gia khác nhau: Italia, Thụy Điển, Ireland, Nga, Ấn Độ… để phát triển và phân bố chi phí đầu tư. Riêng với mảng di động, Huawei có 6 trung tâm R&D.
Đối với công nghệ trong tương lai, Huawei cam kết đầu tư 600 triệu USD trong 5 năm tới vào công nghệ 5G. Trong đó, mảng ứng dụng, giải pháp, sản phẩm được ví như phần nổi của tảng băng. Các công nghệ cơ bản, giải pháp giúp thay đổi, công nghệ 4G, 5G là phần chìm của tảng băng, cần đầu tư lâu dài.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá là có nguồn nhân lực dồi dào và có tiềm năng phát triển công nghệ cao, có cơ hội nào nhân lực Việt Nam tham gia vào kế hoạch đầu tư R&D của Huawei?
Huawei không phải là nhà sản xuất. Chúng tôi là công ty công nghệ với trên 70% nhân lực là kỹ sư chất lượng cao. Quan điểm của Huawei luôn mở rộng và chào đón nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia Huawei, cụ thể hiện nay có tới 75% nhân viên Huawei là người nước ngoài, trong đó có rất nhiều nhân viên đến từ các công ty công nghệ khác như IBM, Motorola, Ericsson…
Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong bản đồ kinh doanh toàn cầu của Huawei?
Việt Nam là thị trường quan trọng với Huawei, cụ thể Việt Nam nằm trong Top 15 thị trường trọng điểm của Huawei trên toàn cầu đặc biệt ở phân khúc smartphone.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển Smartphone của Huawei tại thị trường Việt Nam?
Huawei đang lên kế hoạch ra mắt những sản phẩm mới nhất của Huawei vào quý IV/2014, trong đó có hai sản phẩm hàng đầu là Mate 7; và Ascend P7, riêng P7 đặc biệt có phiên bản P7 Arsenal tại thị trường Việt Nam. Đây sẽ là hai trong loạt 6 sản phẩm tiên phong ở cả 3 phân khúc cao cấp; trung cấp và bình dân chính thức khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của thương hiệu smatphone Huawei trên thị trường mở. Nói như thế không phải lần đầu tiên smatphone Huawei xuất hiện tại Việt Nam, chúng tôi đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 2011, nhưng chủ yếu dưới dạng OEM, cung cấp sản phẩm cho các nhà mạng như Viettel… mục tiêu của chúng tôi là lấy khách hàng làm trung tâm.
Như vậy, Huawei sau thời gian triển khai B2B dưới dạng OEM sẽ chính thức bước sang B2C tại Việt Nam, mục tiêu của Huawei ở phân khúc này sẽ như thế nào?
Riêng tại thị trường Việt Nam, sau khi xuất hiện rất thành công ở phân khúc OEM, Huawei đang đầu tư để mở rộng việc bán lẻ dưới thương hiệu Huawei với mục tiêu chiếm 5% thị phần tại Việt Nam (không tính mảng OEM) trong 1 đến 2 năm tới.
Huawei có quan tâm đến việc đầu tư phát triển “hệ sinh thái di động” của Huawei tại Việt Nam?
Huawei có tập trung đầu tư phát triển hệ sinh thái Huawei dựa trên 3 cấp độ.
Thứ nhất về phần cứng Huawei tập trung phát triển sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android, đây là hệ điều hành đang được nhiều người sử dụng hiện nay. Huawei sẽ hợp tác với các nhà nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền tảng Android.
Thứ hai về kho ứng dụng (huawei Store), Huawei hiện đang phát triển một số ứng dụng tại Huawei Store, đồng thời phát triển cổng thanh tóan thương mại điện tử như zhifubao, taobao…
Thứ ba Huawei đang hỗ trợ phát triển các ứng dụng hỗ trợ người dùng theo hướng đưa điện thọai Huawei trở nên thân thiện và dễ dùng.
Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo