Thị trường

Việt Nam loay hoay chiến lược, hồ hởi nhập ôtô từ ASEAN

Đã có có tổng cộng 2.117 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu từ 2 quốc gia trong khu vực ASEAN là Indonesia, Thái Lan, đạt hơn 32,3 triệu USD về giá trị.

Việt Nam nhập khẩu hàng nghìn xe từ các nước ASEAN trong khi đã xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô 20 năm

Trong đó, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia là 371 chiếc, đạt giá trị 3,55 triệu USD; lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan là 1.746 chiếc, đạt giá trị 28,8 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy rõ kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN đang tăng tốc mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm nay khi cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ khu vực này thấp hơn đáng kể với 1.686 chiếc và gần 28 triệu USD.

Đà tăng tốc cũng thể hiện khá rõ khi xét theo từng tháng kế tiếp nhau. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia đã tăng từ 100 chiếc và xấp xỉ 789.000 USD của tháng đầu năm nay lên 148 chiếc và 1,5 triệu USD trong tháng 2, con số của tháng 3 có sự sụt giảm nhẹ xuống còn 123 chiếc và gần 1,27 triệu USD.

Không chỉ lớn hơn gấp nhiều lần về con số mà kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan còn tăng liên tiếp và tăng mạnh so với Indonesia. Tháng đầu năm nay, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan chỉ ở mức 338 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 4,7 triệu USD. Nhưng sang tháng 2, các con số lập tức tăng lên gấp đôi, lần lượt đạt mức 678 chiếc về lượng và 11,2 triệu USD về giá trị. Tháng 3, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ quốc gia láng giềng này tiếp tục “gấp thếp” khi thậm chí cao hơn cả tổng mức kim ngạch quý 1/2013 của cả Indonesia cộng vào, xét trên cả yếu tố lượng lẫn giá trị.

Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN đáng chú ý là bởi đây chính là 2 quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển với tốc độ mạnh mẽ và có tác động trực tiếp đến tương lai của công nghiệp ôtô Việt Nam.

Không chỉ nhập khẩu nhiều từ cac nước ASEAN, so sánh với các quốc gia thuộc ASEAN thì giá xe của Việt Nam hiện nay cũng cao hơn nhiều so với giá xe của các nước trong khu vực như Thái Lan hoặc Indonesia từ 50-300 triệu đồng/chiếc tùy từng loại xe.

Điều đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam tăng liên tiếp và tăng mạnh, người Việt vẫn phải mua ô tô với giá cao hơn nhiều so với các nước lân cận giữa bối cảnh ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã xây dựng và phát triển 20 năm nhưng vẫn loay hoay tìm chiến lược phát triển và dòng xe chiến lược.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm xây dựng và phát triển, 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 3 công đọan chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp.

Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con); đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 7 - 10% đối với xe con (Thaco đạt 15 - 18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và đến 35 - 40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%).

Thêm nữa, mặc dù đã ngành công nghiệp ô tô đã xây dựng và phát triển gần 20 năm nhưng đến thời điểm này các nhà quản lý cũng như chủ doanh nghiệp vẫn tiếp tục loay hoay với việc tìm dòng xe chiến lược.

Cụ thể, kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan hữu quan chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng, thay thế xe công nông, xe tự chế, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách… trong đó cân nhắc kỹ việc lựa chọn phát triển dòng xe chuyên dùng, du lịch 4-7 chỗ.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công Thương đề xuất, sẽ ưu tiên dòng xe tải nhẹ đến 3 tấn, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ 3 tấn là tổng trọng tải của xe hay chỉ là sức chở.

Nhưng ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải lại cho rằng, nhu cầu của thị trường nông nghiệp hiện nay cần xe có tải trọng lớn hơn, để giúp bà con có thể chở những sản phẩm công nghiệp tiêu, điều, cao su với khối ượng lớn. Vì vậy, nên ưu tiên dòng xe có tải trọng đến 5 tấn (tổng tải trọng đến 10 tấn).

Theo ý ông Ngô Văn Trụ - nguyên thành viên ban soạn thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, nên ưu tiên cho phát triển dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ, bởi dự báo nhu cầu sẽ tăng cao từ sau năm 2020.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo