Xã hội

Việt Nam mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích khu vực rừng U Minh

Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không Việt Nam cho biết, trong ngày hôm nay, 1 máy bay Mi-171 hoạt động mở rộng tìm kiếm tại khu vực rừng U Minh với bán kính khoảng 50km.

Vụ máy bay của Malaysia mất tích làm nhiều người liên tưởng tới vụ khủng bố đẫm máy ở nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay MH 370 của Malaysia, hôm nay, máy bay tuần thám CASA KA8981 cùng với 2 máy bay AN26 đã mở rộng quét lại khu vực phía đông Nam của Cà Mau.

Cùng thời điểm, máy bay IL176 và TU154 của Trung Quốc vẫn bay theo lịch trình tìm kiếm như ngày hôm qua từ đảo Hải Nam đến điểm máy bay mất tích (IGARI); 1 máy bay C130 của Malaysia vẫn tiếp tục tìm kiếm ở khu vực giáp ranh với vùng FIR HCM của Việt Nam; máy bay của Singapore sẽ bay từ Nam Cà Mau đến điểm IGARI mở rộng về phía Đông – nơi vệ tinh Trung Quốc tìm thấy vật thể nghi của máy bay mất tích.

Sáng nay, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được trả lời chính thức về công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích Beoing 777-200 từ nhà chức trách Malaysia, nhưng câu trả lời rất chung chung.

Xung quanh thông tin, trước khi mất tích máy bay Beoing 777 đã 2 lần phát tín hiệu báo vấn đề kỹ thuật, đại diện Cục hàng không cũng cho biết, phía Malaysia đã từ chối cung cấp, bởi đang trong quá trình điều tra, để tránh nhiễu loạn thông tin cho báo chí và thân nhân người nhà trên chuyến bay.

Báo Wall Street Journal dẫn lời các nhà điều tra hàng không Mỹ cho biết dữ liệu động cơ từ chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia (MAS) gửi về mặt đất cho thấy có thể chiếc máy bay này đã bay thêm 4 giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Điều này cho thấy chiếc máy bay có thể bay thêm hàng ngàn km trong trạng thái không ai biết được chuyện gì đang xảy ra.

Cơ quan điều tra an ninh Mỹ ước tính chiếc máy bay đã bay tổng cộng khoảng 5 tiếng đồng hồ kể từ lúc cất cánh ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, căn cứ trên dữ liệu động cơ mà máy bay này gửi tự động về hãng Boeing qua hệ thống báo cáo và xử lý thông tin liên lạc máy bay (ACARS).

Đây là hệ thống trang bị trong máy bay Boeing 777-200 nhằm cung cấp dữ liệu cho đội ngũ kỹ sư của hãng này trong công tác bảo dưỡng máy bay. Nếu với tổng cộng 5 giờ bay như trên thì chiếc MH370 có thể bay được hơn 4.074 km, có thể đến Ấn Độ Dương, khu vực giáp với Pakistan hoặc thậm chí cũng có thể đã bay đến vùng biển Ả Rập.

Tính đến nay đã 6 ngày trôi qua kể từ khi chiếc máy bay mất tích bí ẩn, dẫn đến cuộc tìm kiếm quy mô quốc tế với 10 nước tham gia, nhưng chưa phát hiện ra dấu hiệu nào chắc chắn để tìm được các nạn nhân.

Cơ quan chống khủng bố của Mỹ thì suy đoán khả năng chiếc máy bay đã bị ép chuyển hướng, bay đến một vị trí bí mật nào đó; và trong tắt tất cả hệ thống nhận và phát tín hiệu trên chiếc máy bay để tránh bị radar phát hiện. Vì vậy, các nhà điều tra đang tập trung vào khả năng có thể chuyến bay bị khủng bố.

Những suy đoán của cơ quan an ninh Mỹ đã làm dấy lên nghi ngờ chiếc máy bay đã bị khủng bố. Trong quá khứ, chuyến bay 653 của Malaysia Airlines bị bắt cóc vẫn là một bí ẩn. Chuyến bay rời Penang tới Kuala Lumpur ngày 4/12/1977, cơ trưởng G.K. Ganjoor báo cáo “một kẻ bắt cóc không tiết lộ danh tính” đang trên máy bay và sau đó báo với đài không lưu rằng “đang trên đường tới Singapore”. Liên lạc sau đó gián đoạn và chiếc máy bay gặp nạn ở Kampong Ladang, Tanjong Kupang, khiến cả bảy thành viên phi hành đoàn và 93 hành khách thiệt mạng, trong đó có một số quan chức cấp cap như: Bộ trưởng công trình công cộng của Malaysia Mahfuz Khalid, Bộ trưởng nông nghiệp Malaysia Ali Haji Ahmadand và Đại sứ Cuba tại Nhật Bản Mario Garcia. Tuy nhiên, đã hơn 30 năm trôi qua, Malaysia vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này.

Tờ Telegraph (Anh) dẫn lời cựu điều tra viên tai nạn máy bay người Anh David Gleave cho hay, nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay gặp nhiều khó khăn vì các nước trong khu vực không sẵn lòng chia sẻ thông tin về tầm hoạt động của hệ thống radar quân sự của nước mình.

“Tiết lộ khả năng dò tìm của các hệ thống radar này là một điều nhạy cảm và đó có thể là nguyên nhân chính quyền các nước không sẵn lòng công bố những gì họ biết. Điều đầu tiên công chúng không biết chính là radar quân đội trên mặt đất đã thấy gì. Đây là một khu vực đang có căng thẳng khá lớn về chính trị”, ông Gleave nói.

Vị chuyên gia người Anh cũng chỉ ra rằng các hoạt động của tàu hải quân trong khu vực, vốn có khả năng phát hiện các máy bay bay ở các vùng lân cận, cũng không được công bố.

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo