Xã hội

Việt Nam muốn mở rộng hợp tác đào tạo đại học với Nga

Việt Nam có thể được coi là quốc gia khởi xướng hoạt động trên khi vào năm 2001, Tổng thống Liên bang Nga Putin thăm Việt Nam.

Ngày 28/11, tại Moscow (LB Nga) khai mạc Diễn đàn Toàn Thế giới lần thứ ba Hội các cựu sinh viên từng học tại LB Nga và Liên Xô (trước đây). Tham dự có hơn 700 đại biểu đến từ hơn 160 quốc gia thuộc khắp các châu lục là quan chức cấp cao, quan chức các cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành giáo dục đào tạo và các Hội Hữu nghị của các nước với LB Nga cùng đông đảo các vị khách quý là quan chức Nhà nước, ngành Giáo dục – Đào tạo LB Nga.

Trong ba ngày diễn ra Diễn đàn, các cựu sinh viên từng học tập ở Liên Xô trước kia và Liên Bang Nga sau này thuộc các khóa học khác nhau, nay đang sinh hoạt trong các Hội Cựu Sinh viên của các quốc gia sẽ cùng nhau thảo luận về những vấn đề đang rất được quan tâm và coi trọng. Đó là việc thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị, đối tác với Nga và giữa các nước với nhau; Những vấn đề rất thiết thực như phát triển tiếng Nga và văn hoá Nga như một ngôn ngữ hữu nghị, hợp tác; Củng cố mối liên hệ giữa Nga với các cựu sinh viên và với các cơ quan, các quốc gia có sinh viên từng học tập tại Nga… Vấn đề đào tạo sinh viên nước ngoài tại LB Nga trong thời đại mới cũng là một đề tài được thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo đại học cho sinh viên nước ngoài ở LB Nga cũng như phối hợp đào tạo tiếng Nga ở các quốc gia khác.

Phát biểu chào mừng và khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Nga Dmitry Livanov nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hoạt động này trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhân văn giữa các dân tộc nhằm giải quyết những nhiệm vụ kinh tế -xã hội và phát triển đất nước của mỗi quốc gia thông qua nguồn nhân lực đã được đào tạo tại LB Nga.

Bộ trưởng Livanov cũng giới thiệu những tiềm năng to lớn của LB Nga trong công tác đào tạo, nhất là những lĩnh vực khoa học, công nghệ cao và kỹ thuật quân sự. Các đại biểu là đại diện của các Hội Cựu sinh viên của các quốc gia cũng có những tham luận tại phiên khai mạc khẳng định kết quả tốt đẹp mà các sinh viên nước ngoài từng theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở Nga tiếp thu được và phát huy trong công việc của mình khi trở về tham gia xây dựng đất nước. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng các hình thức hợp tác đào tạo với các trường đại học Nga trong những điều kiện cụ thể của các quốc gia khác nhau.

Việt Nam có thể được coi là quốc gia khởi xướng hoạt động trên khi vào năm 2001, Tổng thống Liên bang Nga Putin thăm Việt Nam và có cuộc gặp gỡ với cựu sinh viên Việt Nam tại Liên Xô và LB Nga. Đại diện của Hội Cựu Sinh viên Việt Nam đã đề xuất nên có diễn đàn quốc tế của các nước. Tổng thống Putin đã đồng ý và vào năm 2003 Diễn đàn lần thứ nhất đã được tổ chức. Năm 2007 cũng đã diễn ra Diễn đàn lần thứ hai tại LB Nga.

Điều đáng ghi nhận nữa là khi Hội Cựu sinh viên Nga và Liên Xô toàn thế giới được thành lập thì Việt Nam được liên tục bầu làm Phó Chủ tịch và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội cựu sinh viên Việt Nam đã đảm nhiệm chức vụ này với rất nhiều hoạt động tích cực và hữu ích.

Nói về giá trị của những cuộc gặp mặt dưới hình thức diễn đàn toàn cầu này, ông Trần Đình Long khẳng định: “Đại biểu của 160 nước và lãnh thổ tham dự Diễn đàn chỉ nói tiếng Nga nên tất cả đều rất hiểu nhau. Ưu thế này không một Hội nghị quốc tế nào có được. Mọi người hiểu nhau đến mức không có chút phân biệt nào dù ở cấp nào. Nhờ Hội nghị như thế này mà mối quan hệ cấp Chính phủ cũng được thúc đẩy bởi vì có nhiều người là cựu sinh viên ở Nga và Liên Xô nay họ đã là quan chức cấp cao, cấp Nhà nước như Bộ trưởng, Thứ trưởng. Họ còn là anh hùng lao động, giáo sư, tiến sỹ… nên có thể hiểu nhau và trình bày với nhau cả những vấn đề mà bình thường không dễ gì nói được”.

Đây chính là một trong những hoạt động ngoại giao nhân dân rất bổ ích mà các đoàn đại biểu của mỗi nước, mỗi chi hội của các cựu sinh viên tại LB Nga và Liên Xô từ các quốc gia khác nhau đóng góp xây dựng nhằm mục đích chung là thúc đẩy hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo