Việt Nam nhập siêu 28 tỷ USD từ Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12/2016 ước tính đạt 16,00 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,68 tỷ USD, tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,32 tỷ USD, giảm 4,2%.
Kim ngạch xuất khẩu giảm so với tháng trước chủ yếu do một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn giảm mạnh: Điện thoại và linh kiện giảm 11,4%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,5%, mặc dù có một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng: Cà phê tăng 41,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10,3%; hàng dệt, may tăng 5,4%; giày dép tăng 2,7%. So với tháng 12/2015, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 22,1%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Điện thoại và linh kiện tăng 67,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 37,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 38,7%.
Tính chung cả năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước (Năm 2015 tăng 7,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50,0 tỷ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2% (Nếu không kể dầu thô, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 123,5 tỷ USD, tăng 11,8%).
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 179,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng so với năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%; giày dép đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,5 tỷ USD, tăng 28,4%. Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với năm trước: Dầu thô đạt 2,3 tỷ USD, giảm 36,7% (lượng giảm 24,2%); gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 996 triệu USD, giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12/2016 ước tính đạt 16,30 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,85 tỷ USD, giảm 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,45 tỷ USD, giảm 0,3%.
Kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất giảm: Phương tiện vận tải khác và phụ tùng giảm 69,1%; xăng dầu giảm 13,3%; bông giảm 9,3%; vải giảm 6,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12/2016 tăng 14,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho gia công lắp ráp tăng mạnh: Điện thoại và linh kiện tăng 54,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 20%; chất dẻo tăng 18,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 13,2%. Tính chung năm 2016, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 28,1 tỷ USD, tăng 1,8%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 27,8 tỷ USD, tăng 20,1%; vải đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,4%; sắt thép đạt 8 tỷ USD, tăng 7,3%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 5,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5,1 tỷ USD, tăng 1,9%; kim loại thường khác đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 4,4 tỷ USD, tăng 17,1%; sản phẩm hóa chất đạt 3,8 tỷ USD, tăng 11%; hóa chất đạt 3,2 tỷ USD, tăng 1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm 2015: Điện thoại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,3%; xăng dầu đạt 4,7 tỷ USD, giảm 11,7% (lượng tăng 14,2%); ôtô đạt 5,9 tỷ USD, giảm 2,3%; trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 15,7%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, giảm 36,2%; phân bón đạt 1,1 tỷ USD, giảm 22%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2016 ước tính nhập siêu 300 triệu USD, tính chung cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 20,2 tỷ USD, tăng 8%; nhập siêu từ ASEAN là 6,3 tỷ USD, tăng 12,5%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỷ USD, tăng 12,3%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Các chủ nhân căn hộ The Diamond Residence chính thức nhận sổ hồng
MSB đầu tư chiến lược vào nền tảng ngân hàng tương tác
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
KEL Award đã tìm ra những doanh nghiệp xuất sắc nhất