Thị trường

Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch mua bán nợ?

(DNVN) - Ngân hàng Nhà nước đang làm đầu mối xây dựng dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ, trong đó có dịch vụ sàn giao dịch.

Sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua, bán nợ; tư vấn, môi giới mua, bán nợ.

Dịch vụ sàn giao dịch nợ là việc cung cấp sàn giao dịch nợ, tổ chức việc mua bán nợ; giới thiệu, cung cấp thông tin về nợ cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; kiểm tra hồ sơ, giấy tờ về nợ bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch; làm trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán nợ.

Các điều kiện để lập sàn giao dịch mua bán nợ tại Việt Nam đã bắt đầu định hình.

Theo giải trình của tổ soạn thảo, mục đích quy định điều kiện nhằm cho phép một doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ sàn giao dịch nợ để dần hình thành thị trường mua, bán nợ tập trung. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ muốn thực hiện dịch vụ này phải đáp ứng thêm các điều kiện về vốn, nhân sự và kinh nghiệm.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 100 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng; kinh doanh các dịch vụ khác phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng.

Riêng với kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải đáp ứng điều kiện là đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ liên tục ít nhất 3 năm với mức doanh thu hoạt động (kê khai thuế) hằng năm tối thiểu là 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp đó phải có ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán hoặc ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ thẩm định giá theo quy định của pháp luật; có quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ; có cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin phù hợp.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị ban hành thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cụ thể về việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt VAMC.

 

Thời hạn trước đây quy định là 5 năm, tới đây một số trường hợp có thể được giãn ra thành 10 năm. Áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu này theo đó cũng được rải ra theo quãng thời gian dài hơn, thay vì dồn lại mà có thể gây thêm khó khăn đối với tổ chức tín dụng.

Nên đọc
Tùng Bách (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo