Thị trường

Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

(DNVN) - Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ đáng kể so với năm ngoái khi tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng.

Theo đó, từ vị trí 68/140 trong báo cáo GCR giai đoạn 2014 – 2015, Việt Nam đã tăng hạng lên 56 vào năm nay. GCR đánh giá Việt Nam đạt 4,3 điểm về năng lực cạnh tranh. Trong khi đó mức điểm của top 10 dao động từ 5,443 - 5,76 và mức điểm của nhóm 10 nền kinh tế với năng lực cạnh tranh xếp cuối bảng dao động trong khoảng 2,84 - 3,32.

Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ đáng kể so với năm ngoái khi tăng 12 bậc.
Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016, Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ đáng kể so với năm ngoái khi tăng 12 bậc.

Năm nay, Thụy Sỹ lần thứ 7 liên tiếp giữ vững vị trí đầu bảng với 5,76 điểm, trong khi hai vị trí tiếp theo trong tốp 10 quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh nhất là Singapore và Mỹ cũng không thay đổi so với năm ngoái.

Trong khi đó, Hà Lan được coi là quốc gia có đột phá mạnh nhất trong tốp 10 khi vượt lên vị trí thứ 5 từ thứ 8 trong báo cáo năm ngoái. Ngược lại, Brazil trở thành quốc gia tụt hạng thê thảm nhất, rớt 18 bậc xuống vị trí thứ 75 – cũng là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất trong nhóm BRICS.

Ấn Độ cũng tiến 16 bậc, lên vị trí 55 trong số 140 nền kinh tế về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc và Mỹ, nổi lên thành địa điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới. Nửa đầu năm 2015, FDI vào Ấn Độ tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2014, đạt 31 tỷ USD, so với 28 tỷ USD của Trung Quốc và 27 tỷ USD của Mỹ.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37), và Philippines (47). Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí cao hơn so với một số nước cùng khu vực khác như Lào (83), Campuchia (90), hay Myanmar (131). Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 28 với 4,89 điểm.

 

Định nghĩa về năng lực cạnh tranh của báo cáo GCR 2015 là “tập hợp thể chế, chính sách và nhân tố quyết định năng suất của một nền kinh tế, dựa vào đó đánh giá mức độ thịnh vượng một quốc gia có thể đạt được”.

Báo cáo do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hằng năm, trong đó đánh giá và xếp hạng tính cạnh tranh của 140 nền kinh tế, dựa trên các tiêu chí về bộ máy quản lý, luật pháp, chính sách và các yếu tố tác động năng suất lao động của một quốc gia.

Theo báo cáo, dù phần lớn các nền kinh tế đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn có dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong quá khứ.

Top 10 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh đứng đầu trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 của WEF: 1. Thụy Sỹ 2. Singapore 3. Mỹ 4. Đức 5. Hà Lan 6. Nhật Bản 7. Hồng Kông 8. Phần Lan 9. Thụy Điển 10. Anh

Nhóm 10 nền kinh tế “bét bảng” về năng lực cạnh tranh (xếp từ dưới lên): 10. Myanmar 9. Venezuela 8. Mozambique 7. Haiti 6. Malawi 5. Burundi 4. Sierra Leone 3. Mauritania 2. Chad 1. Guinea

 

Thu Phương (Theo Ibtimes)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo