Việt Nam trở thành điểm sáng CNTT toàn cầu
Forbes đánh giá Việt Nam là điểm sáng về các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động.
Trong bài viết của mình, tác giả Enrich Bui và Will Greene cho rằng nhu cầu về nhân tài cho ngành CNTT tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, và không ít kỹ sư CNTT đang háo hức chờ đón cơ hội việc làm mới với mức thu nhập cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn để học hỏi và sáng tạo.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế vững chắc trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.740 USD vào năm 2013. Tuy nhân viên CNTT có mức thu nhập trung bình cao gấp đôi số tiền đó, nhưng nhiều người vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính, đặc biệt là ở những nơi đắt đỏ như TP. Hồ Chí Minh.
Cuộc khảo sát mới đây của ITViec cho thấy nhân viên CNTT không chỉ quan tâm tới thu nhập mà họ còn rất đam mê theo đuổi sự nghiêp của mình. ITViec thăm dò 500 công nhân CNTT lành nghề và kết luận hơn 4/5 trong số họ lựa chọn lĩnh vực này vì yêu thích máy tính. Khoảng 50% nói rằng họ thích thú khi việc trong ngành CNTT, trong khi 12% đến với lĩnh vực này do có thu nhập ổn định.
Khi dịch vụ CNTT của Việt Nam tiếp tục phát triển, cơ hội việc làm không ngừng tăng lên, đặc biệt là tại các công ty gia công phần mềm và các dự án lập trình. Một số doanh nghiệp còn cho phép nhân viên sở hữu cổ phần cá nhân.
Ở Việt Nam, các công ty sản xuất thường có danh tiếng hơn các đơn vị gia công. Khoảng 1/3 số doanh nghiệp gia công phần mềm cho biết họ muốn chuyển sang mô hình sản xuất, trong khi đó chỉ có 3% đơn vị sản xuất muốn chuyển sang gia công phần mềm.
Công ty sản xuất kỹ thuật số Quodisys có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công mô hình chuyển đổi từ gia công sang sản xuất bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, từ đó giúp người lao động phát triển kỹ năng và vượt qua các thử thách mới.
Đa số các công nhân CNTT cho biết họ thích làm việc với các công ty nước ngoài với môi trường cởi mở và sáng tạo giúp họ được học tập và phát triển cá nhân mặc dù nhiều công ty Việt cũng cung cấp những lợi thế tương tự.
Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ thành công trong việc kết hợp các yếu tố của văn hóa địa phương và nước ngoài. Các công ty này được điều hành bởi người Việt đã từng học tập và làm việc tại nước ngoài. Họ được tiếp cận với ý tưởng nước ngoài, có tài năng, có tiềm lực tài chính, và thông thạo ngôn ngữ, am hiểu phong tục địa phương, và có khả năng kết nối văn hóa.
Rõ ràng, thị trường lao động công nghệ cao Việt Nam ngày một năng động hơn. Một nửa số người trả lời khảo sát có ý định chuyển việc làm trong sáu tháng tới. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty CNTT để giữ được công nhân có tay nghề cao.
Mặc dù có những mối lo nhất định nhưng đa số công nhân CNTT của Việt Nam vẫn lạc quan. Nhiều người đang lựa chọn công việc theo niềm đam mê của mình, thậm chí một số có thể chấp nhận mức thu nhập thấp hơn trong ngắn hạn.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo