Việt Nam vay Trung Quốc thêm 250 triệu USD xây đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại Lễ đường Nhân dân.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có: Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021; Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất; Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi; Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020; Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục giai đoạn 2016 - 2021; Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (trị giá 20 triệu Nhân dân tệ).
Đáng chú ý là Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội với chiều dài 13 km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.
Dự án có 12 nhà ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Bến xe Yên Nghĩa.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, năm 2014, dự án chỉ đạt được 40% khối lượng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng tổng thể của dự án đã đạt 70%.
Đến tháng 6/2016, nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành các nhà ga (trừ ga Cát Linh), tháng 9/2016 hoàn thành các phần xây lắp, đồng thời lắp đặt các thiết bị và đầu tháng 10/2016 khai thác thử. Cuối năm 2016, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức đưa vào khai thác thương mại.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, tại Đại Lễ đường, Thủ tướng có các cuộc tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin và viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tiếp ông Mã Giang Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Thủ tướng nói ngay đến việc thi công đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một dự án do Công ty làm tổng thầu EPC.
Cho rằng việc chậm tiến độ dự án có nhiều nguyên nhân, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan. “Dù nguyên nhân gì thì với vai trò tổng thầu mà gây chậm trễ thì cần nhìn nhận trách nhiệm, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân họ là rất thành công”, Thủ tướng nói. “Công trường vắng vẻ, tổ chức thi công như thế thì gay go lắm”.
Thủ tướng yêu cầu Công ty Cục 6 phải khắc phục các bất cập, tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đồng thời bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động khi thi công. Thủ tướng lưu ý chọn các nhà thầu phải bảo đảm năng lực, nếu không thì thay thế nhà thầu.
Thủ tướng cũng đề nghị Công ty Cục 6 chủ động làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực hiện dự án, nhất là khi hai bên đã ký Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng hai nước ngày hôm qua, 12/9.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, ông Mã Giang Kiểm cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. “Chúng tôi đã chốt lại tiến độ dự án. Cuối tháng 12/2016, sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản”, lãnh đạo Công ty Cục 6 báo cáo. Tháng 1/2017, sẽ hoàn thành khu Depot; tháng 7/2017 tiến hành chạy thử, sau đó, đến tháng 9/2017 bắt đầu khai thác thử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo