Vietcombank trả thiếu tiền lãi gần 10 tỷ đồng, xử lý thế nào?
Mới đây, thông tin Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) không trả đủ gần 10 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng trong năm 2015 đã nhận được sự quan tâm của dư luận, theo tin tức trên báo Zing news.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết từ 2001 đến nay, các khoản lãi phát sinh hàng tháng của tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ tại ngân hàng đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ. Theo kết quả phân tích, trong năm 2015, Vietcombank vẫn còn phải chi trả cho khách hàng 9.766.135.153 đồng tiền lãi.
Ngay sau đó, đại diện Vietcombank đã lên tiếng về sự việc. Ngân hàng khẳng định không có động cơ vụ lợi trong sự việc và Kiểm toán Nhà nước cũng đã xác nhận nội dung này.
Đại diện Vietcombank cho biết trong hệ thống phần mềm quản lý tài khoản tiền gửi không kỳ hạn cài đặt sẵn tham số để mặc định đối với các tài khoản không kỳ hạn có mức lãi tiền gửi cộng dồn trong một tháng có giá trị nhỏ hơn 0,1 USD, hoặc tương đương thì hệ thống tự động làm tròn xuống. Đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hàng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng mỗi tháng.
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, một chuyên gia tài chính từng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tín dụng ở nước ngoài cho biết trên thế giới có thông lệ là ngân hàng phải thông báo cho khách hàng của mình một số dư tối thiểu trong tài khoản. Từ số dư tối thiểu đó, khách hàng gửi nhiều tiền hơn sẽ bắt đầu được tính lãi trên mức tiền tối thiểu.
"Những tài khoản thấp hơn mức tối thiểu sẽ không được tính lãi. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, ngân hàng phải có chính sách rõ ràng và phải thông báo tới tất cả khách hàng của mình", vị này cho hay.
Về hướng giải quyết với khoản gần 10 tỷ đồng không trả lãi này, chuyên gia cho biết trên nguyên tắc, Vietcombank sẽ phải trở lại dữ liệu của 16 năm trước để tính lãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, điều này rất khó khăn vì số tiền quá nhỏ bé và có tới hàng triệu tài khoản như vậy.
"Vietcombank cần phải có một công tác xử lý nào đó, ví dụ tính bình quân những tài khoản thường xuyên hoạt động trong những năm gần lại đây, rồi nhân với một tỷ suất lãi nào đó để bù đắp cho khách hàng của mình", chuyên gia chia sẻ.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước cho biết không thể xác định số lãi phải trả do hệ thống không lưu trữ được trọn vẹn thông tin chi tiết.
Mặt khác, nhiều tài khoản đã tất toán các năm trước, việc xác định đúng tên đối tượng khách hàng theo từng tài khoản để chi trả thực tế rất khó khăn.Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank thực hiện hạch toán và chi trả lãi tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng phát sinh năm 2015, với số tiền gần 10 tỷ đồng, tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo đúng quy định.
Thông tin này một lần nữa được đưa ra trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/2. Nói về việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Về quy định hệ thống làm tròn số đối với những khoản trả lãi phát sinh, vừa rồi tôi trao đổi nhanh với Chủ tịch Vietcombank và được cho biết trên cơ sở kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị về việc hệ thống cần phải theo dõi những khoản trả lãi nhỏ mà tự động làm tròn này".
"Từ 2015, Vietcombank đã thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và theo Chủ tịch Vietcombank thì Ngân hàng này đang chuẩn bị có trả lời chi tiết về vấn đề này, sẽ sớm trả lời báo chí", bà Hồng cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'