Cắt lỗ, đòi nợ và tiến tới cổ phần hóa Vinafood 2 là những giải pháp mà ông Huỳnh Thế Năng - Tổng giám đốc Vinafood 2 giãi bày với báo chí sau khi có quyết định thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Ngày 20/6/2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). PV đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2 xoay quanh tình hình hoạt động kinh doanh của Tổng công ty.
Trước khi có Đoàn thanh tra của Chính phủ thì đã có Đoàn kiểm tra của Bộ NNPTNT đến Vinafood 2. Kết quả như thế nào thưa ông?
Thực trạng Vinafood 2 hiện nay, theo nghĩa tiêu cực sau kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Bộ NNPTNT, dù nó không như báo chí đoán mò nhưng những con số cơ bản đã hiện hình gần khá rõ: Về lỗ, thì lỗ năm 2013 là 210 tỷ đồng. Hỏi còn lỗ nữa không thì câu trả lời là còn. Quý I/2014 Vinafood 2 lỗ thêm 20,8 tỷ đồng, chủ yếu lỗ trên thủy sản cá tra và thủy sản cá tra vẫn còn tiếp tục ngày qua ngày lỗ tăng thêm.
Tổng công ty đã thành lập một Ban chỉ đạo chuyên phụ trách việc cắt giảm lỗ phần kinh doanh thủy sản và lành mạnh hóa tài chính ngành kinh doanh lương thực do tôi làm trưởng ban.
Thú thật phần kinh doanh thủy sản với tổng vốn đầu tư 927 tỷ đồng cho cá tra đã hầu như thất bại hoàn toàn ở cả 3 khâu nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, không tìm được thị trường.
Đây là một đầu tư sai lầm và Vinafood 2 đã xác định không đầu tư vào đây nữa mà sẽ tái cấu trúc lại theo hướng bán khoán hoặc cho thuê 3 nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL để giảm lỗ và tiến tới cắt lỗ trong tháng 9 tới hoặc chậm nhất là cuối năm nay.
Như vậy việc kinh doanh sắp tới của Vinafood 2 sẽ chỉ tập trung vào ngành lương thực, vốn là thế mạnh lâu nay của TCT và các doanh nghiệp thành viên.
Thế còn những khoản nợ khó đòi của Tổng công ty, thưa ông?
Về nợ, tổng số nợ khó đòi của Vinafood 2 cũng theo kết quả kiểm tra lên tới 623 tỷ đồng, trong đó các “con nợ” lớn của Tổng công ty là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, Tập đoàn Thịnh Phát KonTum, Công ty TNHH MTV Hòa Tân Lộc và Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi.
Chúng tôi đã cắt cử ra hẳn một Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng một ban chuyên đi thu hồi các khoản nợ này thật ráo riết, kể cả việc có thể khởi kiện để thu hồi nợ và có giải pháp xử lý những cá nhân liên quan.
Vậy hai tháng qua sau khi tiếp nhận “ghế nóng” Tổng giám đốc, ông đã có những giải pháp gì để vực dậy Vinafood 2?
Thật ra để làm cái gì đó, nhất là để vực dậy Vinafood 2 trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, có thể khẳng định là một mình tôi chẳng thể làm gì cả. Nhưng cái may mắn của Vinafood 2 là cái thực trạng tích cực vẫn đang nổi trội hơn cả. Bởi Vinafood 2 vẫn là Tổng công ty có thuơng hiệu cùng đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thương trường lúa gạo, đầy nhiệt huyết và có một cơ sở hạ tầng hoàn thiện.
Chúng tôi đã thống nhất sẽ nâng cao chất lượng thông tin gắn quá trình cải thiện quản trị theo hướng công khai, minh bạch. Tổng công ty đang xây dựng đề án cổ phần hóa Vinafood 2, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, với lộ trình 3 bước.
Bước 1 trách nhiệm hữu hạn hóa các công ty đang hạch toán phụ thuộc có tài chính lành mạnh. Bước 2 cổ phần hóa các công ty con và bước cuối cùng là cổ phần hóa toàn Tổng công ty.
Vinafood 2 trên báo chí từng bị các chuyên gia đánh giá là “con buôn gạo”, chỉ chuyên đi bán gạo cấp thấp, không có thương hiệu. Vinafood 2 có dự định thay đổi điều này không thưa ông?
Một trong những mục tiêu kinh doanh, vực dậy TCT trong giai đoạn khó khăn hiện nay mà tập thể chúng tôi vừa đồng thuận thông qua là đổi mới tư duy về tiếp cận thị trường từ thị trường tập trung chuyển sang, tăng tỷ trọng thị trường thương mại.
Từ “con buôn gạo”, như báo chí nêu, chỉ chuyên xuất khẩu gạo chuyển sang xuất khẩu lúa. Bởi từ năm 2008 đến nay Vinafood 2 bán ra nước ngoài khoảng 3 triệu tấn gạo nhưng mua lúa chỉ có 50 ngàn tấn/năm. Chính vì thế chúng tôi sẽ chuyển hướng từ tiếp cận hạt gạo gắn với thị trường gạo thường, chất lượng thấp sang tiếp cận hạt lúa xuất khẩu để xâm nhập phân khúc thị trường gạo cấp cao, đặc sản, tiến tới xây dựng thương hiệu.
Giải pháp là lập lộ trình tổ chức lại sản xuất lúa theo chuỗi giá trị ngành hàng, bằng cách đẩy nhanh quá trình xây dựng mô hình liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn.
Đến nay đã có 7 doanh nghiệp đăng ký làm 100.000ha cánh đồng lớn đến năm 2020 và mục tiêu hướng đến của chúng tôi là 800.000ha.
Vinafood 2 cũng có chiến lược hợp tác với Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang để tận dụng những ưu điểm của nhau thúc đẩy làm cánh đồng lớn. Bởi Bảo vệ thực vật An Giang rất có kinh nghiệm trong việc này, hiện họ đang làm hơn 70.000ha cánh đồng lớn. Họ lại có đội ngũ kỹ sư mạnh và nguồn nguyên liệu đầu vào uy tín. Còn Vinafood 2 lại có kinh nghiệm xuất khẩu gạo, có thương hiệu tốt trên thị trường lúa gạo quốc tế cùng một sở sở hạ tầng khá tốt.
Tổng công ty vừa đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, xây kho, mua thêm máy sấy, xay xát, đánh bóng gạo,…
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt