Vinalines thừa nhận sắp mất hơn 65,2 tỷ đồng
Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vào ngày 10/10/2014, doanh nghiệp này đã nhận được Quyết định số 09/2014QĐ-PQTT ngày 3/10/2014 của Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội về việc xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 28/12 giữa SK và Vinalines.
Theo đó, Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội cho biết không hủy Phán quyết Trọng tài nêu trên và khẳng định rằng quyết định của Tòa này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực kể từ ngày ký. Các bên, Hội động trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo; Viện Kiểm soát không có quyền kháng nghị.
Do vậy, Vinalines có nghĩa vụ phải trả cho SK số tiền là 65,26 tỷ đồng cùng với lãi chậm thanh toán theo phán quyết Trọng tài của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Thời hạn Vinalines phải thi hành phán quyết là đến hết ngày 2/11/2014. Trong trường hợp hết thời hạn thi hành nêu trên mà Vinalines vẫn không tự nguyện thi hành, SK có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Được biết, sau khi yêu cầu hủy phán quyết trọng tài mà Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) kiến nghị bị Tòa án Hà Nội bác bỏ, doanh nghiệp đã liên tiếp gửi thư mời cho nhà thầu Hàn Quốc đề nghị đàm phán về thi hành phán quyết và thanh quyết toán hợp đồng.
“Tổng công ty đang khẩn trương rà soát lại các số liệu tài chính trong phán quyết và hợp đồng”, đại diện Vinalines cho hay.
Hiện SK đã làm đơn yêu cầu Tòa án địa phương Seoul công nhận và thi hành phán quyết trọng tài tại Hàn Quốc, nên SK có thể thu tiền đặt cọc giải phóng các tàu Vinalines Sky và Vinalines Trader.
Trước đó, hồi tháng 3/2014, sau khi VIAC đưa ra phán quyết, phía Hàn Quốc đã bắt giữ các tàu Vinalines Sky và Vinalines Trade để buộc doanh nghiệp Việt Nam thực thi quyết định của trọng tài. Khi ấy Vinalines từng phải bỏ hơn 3 triệu USD mở tài khoản phong tỏa nhằm giải phóng tàu.
Theo phán quyết của VIAC, Vinalines phải trả hơn 65 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) cho Công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) của Hàn Quốc - nhà thầu thi công gói thầu b1 - xây dựng bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).
Cụ thể, đây là khoản tiền mà cơ quan trọng tài buộc Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi Dự án bị dừng đột ngột để điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2012.
VIAC cho rằng, với cơ sở hồ sơ do SK E&C đệ trình, việc Vinalines đã không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng khi từ chối thanh toán khối lượng cọc thép được nhập về Việt Nam và khi hạng mục đó đã có xác nhận của tư vấn giám sát.
Thế nhưng, Vinalines đã khiếu nại phán quyết lên tòa án vì nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh rằng không thể thanh toán khi hồ sơ không hợp lệ, tư vấn nghiệm thu không đúng, khối lượng thi công không đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, theo tính toán của ông Nguyễn Trường Sơn, cán bộ từng phụ trách dự án này thì giá nhập khẩu của cả lô cọc 544 đoạn vào khoảng 50 tỷ đồng. Nếu tính riêng 244 đoạn sau kiểm định thì chỉ khoảng 22 tỷ đồng, bằng 25% số tiền đã tạm ứng, chứ không phải là 115 tỷ như nhà thầu tự tính và trọng tài công nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines