Thị trường

Vinashin 'lột xác', bãi rác nghìn tỷ vẫn nằm trên Biển Đông

Ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã công bố quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2014, chấm dứt hoạt động mô hình Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin).

Theo quyết định của Bộ GTVT, SBIC hình thành trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin, có tên giao dịch quốc tế là Ship Building Industry Corporation hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

SBIC có số vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, có nghề kinh doanh chính là: đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ...
 
Bãi rác nghìn tỷ vẫn nằm trên biển Đông
 
Ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch hội đồng thành viên SBIC cho biết, đến nay đã hoàn thành tái cơ cấu cơ bản các khoản nợ của Vinashin, tổng số nợ gốc đã giảm đáng kể, tình hình tài chính không bị âm như những năm trước.
 
Theo ông Sự, đến ngày 31/12/2012, tổng số nợ gốc của Vinashin còn 77.000 tỷ đồng. Đến nay cơ bản đã xử lý được khoản nợ trên, còn hơn 10.000 tỷ đồng nằm trong các công ty cổ phần sẽ xử lý theo trình tự tái cơ cấu trong thời gian tới.
 
Bãi rác nghìn tỷ vẫn trôi nổi trên Biển đông 
 
Từ năm 2006, Vinashin đã để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị khoảng 155 tỷ đồng nhưng tàu vẫn không thể nhổ neo do đã hư hỏng. 
 
Trong năm 2006 và 2007, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển số tiền 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm.
 
Trong đó, tàu New Sun có quốc tịch Việt Nam, trọng tải toàn phần là 12.668 tấn với chiều dài 136m. Chủ tàu là Cty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin, được neo tại khu vực Bến Gót (Cát Hải, Hải Phòng) từ ngày 13/3/2012 trong tình trạng không có nhiên liệu, không có thuyền viên, không có các báo hiệu cảnh báo theo quy định nên không có đèn, điện, trông giống như một con tàu “ma”. 
 
Chính vì lô tàu hàng trăm triệu đô la này “quá tuổi” nên chúng không được đăng kiểm tại Việt Nam. Hiện chúng đang được treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để tham gia hoạt động vận tải.
 
Dọc bãi biển từ bắc vào nam có thể thấy hàng nghìn con tàu của Vinashin nằm chết lâm sàng như con tàu Green Sea - trọng tải 76.000 tấn của Tập đoàn Vinashin - tại vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
 
Tàu Green Sea (tuổi đời 30 năm vẫn treo cờ Panama vì không thể đăng ký tại Việt Nam do quá niên hạn) -  được Tập đoàn Vinashin mua về năm 2007, trước đó một thời gian dài đã “chết” gí 2 năm trời tại vùng biển Hòn Nét, TP. Cẩm Phả. 
 
Tại khu vùng nước hòn Cặp Bè, thuộc phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) cũng chình ình 9 con tàu vận tải được đóng mới ở các nhà máy của Vinashin, với tổng giá trị cả trăm tỉ đồng, và gần như chưa được đưa chủ nhân là Cty TNHH MTV vận tải biển Viễn dương Vinalines đưa vào sử dụng do làm ăn thua lỗ và không có khả năng chi trả lãi vay ngân hàng.
 
Ông Phạm Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết: "Đến nay, Vinashin đã có văn bản trình thành phố, trong thời gian tới Vinashin sẽ thanh lý và là cơ quan chủ động xử lý".
 
Và theo ông Hà thì theo quy định, Vinashin phải có trách nhiệm di dời, nếu không thực hiện thì thành phố sẽ phải cưỡng chế.
 
Khi nhắc đến phương án đưa những con tàu này xuống biển làm nơi trú ẩn cho cá và các loài sinh vật biển khác, ông Hải ngạc nhiên: "Thành phố chưa bao giờ nghĩ đến việc đưa ra đề xuất việc làm này". 
 
Còn ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP  Hạ Long cho rằng: "Nước ta chưa thể làm như vậy, phải trục vớt những con tàu đó lên, rồi xem những máy móc nào còn dùng được thì tiếp tục sử dụng, phần nào không dùng được thì chúng ta có thể bán sắt vụn".
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo