Vinashin, Vinalines 'bỏ quên' gần 200 container
Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết đến thời điểm này, trong số gần 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại khu vực cảng Hải Phòng thì riêng các công ty thuộc 2 “ông lớn” ngành hàng hải là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) “bỏ quên” gần 200 container đến gần 5 năm.
Hàng hóa vô thừa nhận ngày một gia tăng, lên tới hàng ngàn container khiến cho cảng Hải Phòng bỗng dưng trở thành bãi phế liệu bất đắc dĩ. Trong số này, đa phần lại là hàng cấm nhập khẩu.
Một thống kê mới đây của Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho biết, tính đến hết tháng 9, cảng Hải Phòng đang tồn đọng tới 4.872 container vô chủ. Đây là số hàng hóa đã quá thời hạn 90 ngày làm thủ tục hải quan.
Đáng chú ý là, có tới 183 container hàng đứng tên các công ty thuộc Vinashin, Vinalines.
Tuy nhiên, việc xử lý các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan này đang trở nên bế tắc.
“Tồn đọng quá nhiều hàng hóa tại khu vực cảng Hải Phòng gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu ở cửa ngõ giao thương quan trọng nhất khu vực phía Bắc cũng như công tác quản lý của cơ quan hải quan” - một lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng nói.
Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho biết, kết quả xác minh cho thấy container hàng hóa tồn đọng trước ngày 1/1/2013 chủ yếu đều thuộc mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu được đưa vào Việt Nam để thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, chủ yếu là tái xuất đi Trung Quốc, như cao su, lốp đã qua sử dụng, nhựa phế liệu, sắt thép, linh kiện điện tử...
Trong khi đó, theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì các mặt hàng này lại thuộc Danh mục hàng cấm và tạm ngưng kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Một lãnh đạo Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan thành lập tổ xử lý để thống kê, phân loại hàng quá hạn tại từng cảng, từng hãng tàu; đồng thời xác minh, thu thập thông tin, tài liệu từng lô hàng làm cơ sở thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo.
Sau đó, báo cáo kết quả kiểm tra, xác định cụ thể hành vi vi phạm, đề xuất xử lý dứt điểm theo phương thức cuốn chiếu lần lượt từng lô hàng, từng cảng.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, nếu về trước ngày 4/4/2013 (thời điểm Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05 quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa), tổ xử lý sẽ đề xuất Bộ Công Thương cấp phép trở lại để doanh nghiệp tái xuất hết hàng hóa.
Trường hợp các lô hàng thuộc danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng sẽ xác minh làm rõ, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính, buộc tái xuất hoặc tịch thu.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Cột tin quảng cáo