Xã hội

Vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh: “Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”

Năm 1997 là năm đầu tiên Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Năm này cũng là năm bắt đầu cho một kế hoạch năm năm (1997-2002) di dời 36.000 hộ dân để nhường chỗ cho hàng trăm công trình chỉnh trang đô thị. Chuyện chỉnh trang, đền bù, giải toả khi nhắc đến, cả dân lẫn chính quyền đều giật mình thắc thỏm.

Bàu Thạc Gián - Đà Nẵng đã từng là nơi tá túc của hàng trăm

 

Ông Nguyễn Bá Thanh lúc này là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của thành phố lớn. Thời gian này bất kỳ lúc nào người dân cũng dễ dàng gặp ông ở khu phố nào đó đang giải toả để giải thích, giải quyết cặn kẽ, có lý có tình đến từng trường hợp nhỏ nhất. Nhà ông cũng mở cửa suốt ngày đến tận khuya để tiếp không sót một người. Ông thường nói trong các cuộc họp dân: “Di dời chỉnh trang là để người dân sống tốt hơn, chứ không có chính quyền nào lại làm bần cùng hoá nhân dân”.

Gánh bún cá và khuôn mặt đô thị


Chị Gái trở dậy từ khi con gà trong xóm cất tiếng gáy đầu tiên. Đã lâu lắm rồi chị mới nghe lại tiếng gà gáy sáng. Từ ngày lập gia đình, sinh con đẻ cái chui rúc trong khu ổ chuột phía sau lưng “ Kho đạn” cuối đường Đào Duy Từ, chỗ đặt cái giường còn phải tính qua tính lại, lấy đâu ra chỗ mà nuôi con gà con qué. Vậy mà như bắt được “ con cá vàng”, hôm trước hôm sau, bây giờ chị là bà chủ của một cơ ngơi hơn 100 m2 đất cách khu trung tâm chưa đầy 15 phút đi xe máy.

Thật ra với căn nhà cấp bốn mua 80 triệu (kể cả đất), kể ra không bằng ai, nhưng với chị đã là “thoả lòng mơ ước”. Rồi còn hai chiếc Wave alpha đỏ chót nữa dựng ở góc nhà kia, quả là không tưởng tượng nổi cả cuộc đời lam lũ tần tảo bên gánh bún cá bên cạnh chợ Cồn, lại có ngày hôm nay. Chị nhớ, hôm Nhà nước thông báo giải toả khu vực trại giam Kho Đạn (đường Ông Ích Khiêm), gia đình chị mất ngủ cả tháng trời.

Cứ đinh ninh phen này cầm chắc “ra bụi” vì phận nghèo, "ngắn cổ sao kêu thấu trời", vậy mà không ngờ, căn nhà được áp giá đền bù các khoản đến 71 triệu cộng với cái phiếu mua đất ưu đãi mua đất khu dân cư, đường rộng 25 mét, anh chị bán trao tay ngay 100 triệu. Cả hai khoản cộng lại là một thực tế, mà tưởng trong giấc mơ cũng không bao giờ có được. Gia đình bàn nhau ra Hoà Phát mua ngôi nhà này, dư tiền tậu luôn hai chiếc Wave, vậy mà vẫn còn rủng rỉnh gửi ngân hàng gần 60 triệu đồng, dư sức lo cho cô con gái đã đến tuổi cập kê. Đích thực là đổi đời.

Và với chị, từ ngày đó, nồi bún cá cũng không còn oằn trên đôi vai ra chợ, mà hai chiếc xe đã là phương tiện gồng gánh giùm. Mà cũng không riêng gì gia đình chị Gái, nếu chỉ tính riêng khu dân cư Kho Đạn, cuối đường Đào Duy Từ vài trăm hộ dân, không ít thì nhiều đều hưởng lợi từ công cuộc chỉnh trang này. Có người ngủ qua một đêm đã thành tỷ phú nhờ may mắn hưởng lợi từ cái mặt tiền trên con đường 25 mét

Đọc đến đây, có lẽ không ít bạn đọc cho là bịa hoặc nhẹ hơn đó là những trường hợp cá biệt, bởi lẽ từ trước đến nay, đền bù, giải toả đẫn đến tình trạng dân kêu kiện, chính quyền lúng túng như gà mắc tóc, vốn là chuyện dài “biết rồi! Khổ lắm nói mãi” ở khắp các đô thị.

Nhưng với Đà Nẵng, sự nghi vấn đó, chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao trong bao nhiêu năm qua, chính quyền thành phố giải toả hơn 36.000 hộ dân đến nơi ở mới, nhường chỗ cho các công trình chỉnh trang đô thị, mà số trường hợp buộc cưỡng chế không vượt quá số ngón trên một bàn tay.

 

Đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) hôm nay, ít ai nghĩ rằng trước đó vài năm là một khu vực đầm lầy nước đọng ven sân bay Đà Nẵng


Không chính quyền nào có quyền “bần cùng hoá” nhân dân

Nhớ lại công trình chỉnh trang đô thị lần đầu tiên có liên quan đến số lớn người dân là khu dân cư nhà chồ bàu Thạc Gián- Vĩnh Trung và đường Phan Thanh.

Với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, thành phố chịu làm đường, dân góp vào bằng giá trị đất, đơn khiếu kiện cứ như bươm bướm rải khắp các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Tôi nhớ một tối họp dân trong UBND phường Thạc Gián, Chủ tịch TP Nguyễn Bá Thanh có nói câu “ Giải toả để nơi mới tốt hơn nơi cũ, đó là điều chắc chắn, “Di dời chỉnh trang là để người dân sống tốt hơn, chứ không chính quyền nào có quyền làm bần cùng hoá người dân” đến bây giờ bà con vẫn còn nhắc.

Cứ tưởng đó là lời nói cho được chuyện như bao lần đã nghe trước đó, nhưng không, nhiều hộ bần nông bên hồ Thạc Gián năm nào có người, bây giờ đã là triệu phú, nhờ những lô đất cấp trên đường Hàm Nghi. Và cũng từ lời hứa như đinh đóng cột đó của người đại diện chính quyền, những dãy phố mới mỗi ngày nối dài, xa mãi đến tận chân đèo Hải Vân, mở rộng ra đến sát chân sóng Mỹ Khê; những khu dân cư khang trang đẩy dần xóm “nhà chồ” ven sông, bàu Thạc Gián, những ngôi nhà “ổ chuột” trong khu dân cư Kho Đạn, đường rầy, cầu vồng... nổi tiếng một thời, lùi xa vào ký ức. Khuôn mặt đô thị mỗi ngày mỗi khác, đến độ như tôi, đã nửa đời người sống trên đất quê hương, bây giờ ra đường lơ mơ là lạc như chơi.

Những điều chính quyền thành phố đã nói và đã làm được trong hơn năm năm qua, xét cho cùng đó là kết quả có điểm xuất phát từ cái tâm mong muốn dân giàu nước mạnh của những thế hệ lãnh đạo có sự kế thừa, nên nhận được sự hưởng ứng của người dân cũng là điều hợp lý.

Như sinh thời, Bác Hồ cũng đã từng bảo: “... khó vạn lần dân liệu cũng xong” đó thôi.

Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo