Pháp luật

Vĩnh Phúc: Cấp phép khai thác cát tràn lan, phá nát hai bờ sông Lô

(DNVN) - Hàng chục tàu cuốc công suất lớn ngày đêm hoành hành tại khu vực sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm qua, khiến cho tình trạng sạt lở hai bên bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Hàng chục héc ta đất màu mỡ và hoa màu của người dân đã cuốn theo dòng nước, nhưng chính quyền địa phương dường như “bất lực”.

Mất đất, người dân kêu cứu

Sông Lô đoạn chảy qua xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) có tổng chiều dài chưa đến 4,8 km nhưng có đến 6 công ty được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát sỏi. Mỗi ngày, có hàng chục chiếc tàu hút công suất lớn hoạt động, dẫn tới việc hàng trăm hecta đất nông nghiệp, hoa màu ven bờ bị sạt lở nghiêm trọng.

Người dân địa phương tỏ ra bức xúc cho biết, tình trạng sạt lở như trên đã kéo dài nhiều tháng nay, diện tích bị sạt lở dọc bờ sông đã lấn sâu vào đất canh tác từ 20 - 30m, có chỗ lên tới 40 - 50 mét.

Một số người dân tại đây cho biết, đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị lên các cấp chính quyền ở địa phương, không có câu trả lời, và tình trạng khai thác cát tràn lan, sạt lở nghiêm trọng vẫn diễn ra.

Những chiếc tàu công suất lớn được cấp phép ngày đêm phá nát sông Lô.

Bác L., trú tại xã Đôn Nhân bức xúc: “Gia đình chúng tôi, chỉ có 1 sào ruộng và ít đất bãi ven sông nhưng cát tặc đã hút cả chân ruộng rồi, giờ không biết lấy gì mà canh tác mưu sinh đây. Các chủ tàu cát phá dòng sông, bán được nhiều cát ngày càng giàu lên, còn dân nghèo mất ruộng như chúng tôi  ngày càng nghèo đói. Cúng tôi kêu lên chính quyền thì chính quyền thờ ơ, dân nghèo chúng tôi biết sống sao đây?”

Quá bức xúc về tình trạng trên nhưng chính quyền không xử lý, nhiều người dân đã tổ chức thu giữ một chiếc thuyền sắt dùng để di chuyển của những người hút cát, sau đó đã bàn giao lại cho công an huyện Sông Lô. Hiện tại trong nhà văn hóa của thôn vẫn còn giữ hai chiếc Mỏ Neo của tàu cát nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra nhận.

Theo ghi nhận của PV, hàng chục chiếc tàu hút cát vẫn hoạt động hết công suất, khiến cả một đoạn sông tiếng máy nổ vang trời. Ngoài những chiếc tàu hút cát ở giữa lòng sông còn có những chiếc tàu cuốc đang cắm thẳng vào chân bờ sông để khai thác. Việc khai thác cát sỏi bừa bãi, không đúng quy định đã khiến hai bên bờ sông, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những thành vách dựng đứng.

Cấp phép khai thác tràn lan, không kiểm soát

Ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết: “Việc sạt lở bãi bồi ven sông Lô đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nguyên nhân của sự việc này là do các đơn vị khai thác cát, sỏi dưới lòng sông, nhưng rất khó để xử lý vì hầu như các đơn vị doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn đều được cấp phép”.

 

Ông Thịnh cho biết thêm, mặc dù được cấp phép của cơ quan chức năng nhưng các công ty khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng không tuân thủ đúng giấy phép, chưa đặt phao và cắm mốc chỉ giới, khai thác sai địa điểm được cấp phép, có nhiều đơn vị khai thác chồng lấn lên nhau, cộng thêm tình trạng một số tàu, thuyền khai thác không rõ của đơn vị nào nên dẫn đến sạt lở.

Hàng chục héc ta đất, hoa màu ven bờ bị sạt lở.

Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng kè chống sạt lở. Tuy nhiên do tình trạng khai thác khoáng sản quá mức đã có hiện tượng sụt lún chân kè, nhiều đoạn thân kè cũng bị nứt vỡ, đe dọa nghiêm trọng đến hành lang, và an toàn thoát lũ ven sông, cũng như tính mạng và tài sản của bà con nhân dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND xã Đôn Nhân, tổng sạt lở đất canh tác và kè Áp Trúc đến thời điểm hiện tại trong đó đất canh tác là 202 mét, kè Áp Trúc bị sạt lở 62 mét, điểm sạt lở rộng nhất là gần 10 mét.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi cho nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 11/08/2010 cấp phép cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Ái (Quyết định số 2240/QĐ-UBND); ngày 08/07/2011 cấp phép cho Công ty CP Khai thác và chế biến lâm - khoáng sản Hoàng Phát (Quyết định số 1597/QĐ-UBND); ngày 12/11/2014 cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội (Quyết định số 3320/QĐ-UBND).

Trong năm 2015, tỉnh này tiếp tục cấp phép tới 03 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc; Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội để khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng.

 

Phải chăng, vì lợi ích trước mắt của các doanh nghiệp, hay còn vì lý do nào phía sau khiến UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp vào khai thác “vô tội vạ” tài nguyên khoáng sản, để dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho người dân ven bờ, vừa mất đất canh tác, vừa “đội đơn” kêu cứu nhưng cũng không được giải quyết.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Mạnh Hùng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo