Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khai thác cát sông Hồng gây sạt lở nghiêm trọng
Cho dù tình trạng khai thác cát ở đây đã được các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát nhưng hiện vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác cát thời gian gần đây diễn ra bất kể ngày hay đêm với nhiều loại phương tiện tham gia gây tiếng ồn, sạt lở ngày một tiến sâu vào bãi bồi, ảnh hưởng tuyến kè chống sạt lở được xây dựng trước đó. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và quyết tâm cao sẽ kéo theo hàng hoạt các hệ lụy, những vấn đề tiêu cực khó lường...
Trong đơn đề nghị tập thể của hơn 10 hội viên Hội Cựu chiến binh xã Trung Hà bày tỏ tâm tư của nhiều người dân ở địa phương gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan Trung ương và báo chí có nêu: Nhân dân xã Trung Hà ở ven sông Hồng vài chục năm trước đã bị sạt lở khoảng 50% diện tích đất ở và đất canh tác theo dòng sông. Đến năm 1996, trên địa bàn xã được Nhà nước đầu tư kè bảo vệ đê điều và các khu dân cư nơi đây. Năm 2011, xã lại được đầu tư hai mũi kè khác để nắn dòng chảy trên địa bàn xã để tránh thiệt hại. Cả hai công trình, dự án trên đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.
Thời gian qua, UBND tỉnh cho Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô khai thác tận thu cát từ địa phận thôn 3 đến thôn 5 xã Trung Hà, gần với mũi kè và được khai thác sâu khoảng 2,5m. Tuy nhiên theo kiểm tra, đo đạc sơ bộ của người dân thì địa bàn khai thác vượt quá quy định với độ sâu 15 - 25m, đặc biệt có chỗ sâu tới 40m.
Cũng theo đơn phản ánh, do lòng sâu bị khoét sâu xảy ra sạt lở đất, bờ sông tiến sâu vào trong mũi kè nắn dòng 150m; một số ý kiến khác khẳng định sự sạt lở đất do khai thác cát đã ăn sâu vào bờ bãi sông Hồng phổ biến trên dưới 200m. Tình trạng sạt lở đất bãi và quang cảnh khai thác cát đã được một số người địa phương ghi lại lại bằng hình ảnh và đang đề nghị các cơ quan làm rõ các vấn đề cơ bản, đó là: Kiểm tra lại Hợp đồng khai thác khoáng sản của Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô và đọ đạc để đối chiếu diện tích, độ sâu mà Công ty này đã khai thác để xem có đúng quy định hay không; Việc kiểm tra phải được tiến hành và có mặt của của người dân với tính minh bạch cao, trường hợp đơn vị làm sai phải được xử lý nghiêm.
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1346/GP-UBND ngày 25/5/2015 (Thời hạn 12 năm) của Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô được cấp, cho phép Công ty khai thác cát sông Hồng (Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thuộc xã Trung Hà, diện tích 32,57ha. Mức sâu khai thác đến có +2,m; trữ lượng công suất khai thác sản lượng khai thác 30.000m3/năm; mức sâu đến cao trình tuyệt đối coste + 2,5m; trữ lượng khai thác 803.935m3 và công suất khai thác 84.000m3/năm...
Trong cuộc gặp mặt đối thoại về vấn đề khai thác cát xã Trung Hà ngày 3/5/2017 (gồm đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô, UBND xã Trung Hà, đại diện cho các hộ dân xã), ông Nguyễn Tuấn Vĩ, Chủ tịch HĐQT Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô cho biết: Phía Công ty luôn thực hiện đúng quy định về hoạt động khai thác cát, những thông tin cho rằng Công ty làm sai trái quy định là sự "chụp mũ, hiểu lầm". Theo ông Vĩ, tại địa bàn xã Trung Hà và vùng lân cận có rất nhiều tàu hút cát của người dân tại địa phương. Việc hoạt động, đi lại của các tàu thuyền khai thác cát ở gần mỏ cát Công ty được cấp là có và thẩm quyền quản lý thuộc về ngành chức năng, chính quyền địa phương...
Ông Trần Minh Dương, Trưởng phòng khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc khẳng định: Việc khai thác cát ngoài phạm vi cho phép là khai thác trái phép. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các trường hợp này là rất khó khăn, điều này chỉ có địa phương nắm rõ.
Sau khi đối thoại, các cơ quan chức năng đã xuống thực tế tại địa bàn mỏ và các khu bãi bồi để kiểm tra thấy có: một số tàu của Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô hoạt động đúng phạm vi cho phép; hàng chục tàu thuyền còn lại được xác định là tàu của các hộ dân cư tại địa phương vào gần bờ để đậu. Theo ông Dương thì khi tàu thuyền neo đậu và chủ phương tiện lên bờ về nhà nghỉ ngơi thì không thể khẳng định, suy đoán các tàu này là khai thác cát trái phép được bởi các tàu một số hộ dân đi làm ăn nơi khác hoặc vận chuyển hàng hóa không phải là cát sỏi.
Đặc biệt thời điểm xuống điểm kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương xã Trung Hà không đi cùng kiểm tra, do đó buổi kiểm tra không thể đưa ra kết luận vì thiếu thành phần quan trọng là những người đại diện địa phương cơ sở, sống cận kề bên dòng sông có hoạt động khai thác cát.
Ông Nguyễn Văn Đức cho rằng: tại địa điểm từ thôn 3 đến thôn 5 có rất nhiều tàu khai thác cát, trong đó có cả tàu của người dân Vĩnh Phúc.
Có nguồn tin cho rằng, các tàu này khai thác ngoài điểm mỏ đã được cấp phép nhưng vẫn phải thông qua Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô. Mỗi tàu khi vào khai thai cát phải trả cho Công ty này từ 60 - 80.000 đồng/m3.
Ông Đỗ Văn Giáp - người đứng đơn đại diện tập thể Hội Cựu chiến binh xã Trung Hà một mực khẳng định: “Việc khai thác cát của các tàu, trong đó có Công ty Hoàng Phát Thủ Đô mà người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở bởi người dân ghi được rất nhiều hình ảnh sinh động về hoạt động khai thác cát (cả video) về các hoạt động khai thác cát của các con tàu từ trước tới nay”.
Cát là vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Tuy nhiên, việc khai thác của các chủ thể phải tuân theo đúng quy trình, quy định để tránh gây ra hậu quả. Để lập lại kỷ cương trong hoạt động khai thác khoáng sản, đòi hỏi các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh những sai phạm trong hoạt động khai thác, tránh tình trạng trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau. Người dân chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc thời gian sớm nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo