Pháp luật

VNPT vi phạm hợp đồng nhưng vẫn kiện ra tòa?

Trong hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bỏ qua việc mình đã vi phạm hợp đồng kinh tế và cho rằng đối tác không chịu trả nợ.

Trong hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bỏ qua việc mình đã vi phạm hợp đồng kinh tế và cho rằng Công ty Hồng Quang không chịu trả nợ, còn Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam vi phạm cam kết về nghĩa vụ bảo lãnh. Vì vậy dẫn đến việc Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm đã có bản án thiếu khách quan, chưa đánh giá đầy đủ các chứng cứ có trong vụ án, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Phớt lờ điều khoản trong hợp đồng

Trước đó, ngày 2.3.2010, Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực 1 (VNP1) thuộc Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNP) do ông Ngô Quang Trung, Phó GĐ làm đại diện và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hồng Quang (Công ty Hồng Quang) do bà Phan Thị Hồng làm giám đốc đã ký kết Hợp đồng Đại lý cung cấp dịch vụ TTDĐ số 04/VNP1-TĐL-HQG.

Theo đó, VNP1 giao cho Công ty Hồng Quang làm đại lý phân phối và bán tại Việt Nam các sản phẩm thẻ trả trước; mệnh giá nạp tiền qua SMS (E-Load); thẻ SIM VinaCard, VinaDaily, VinaText, E-Load; bộ trọn gói ban đầu, bộ hòa mạng máy đầu cuối có kèm tài khoản các sản phẩm khác và thiết bị USB Modem.

Đến ngày 29.11.2010, hai bên ký Phụ lục gia hạn hợp đồng nói trên từ ngày 1.1.2011 đến ngày 30.6.2011. Và ngày 18.10.2010, giữa VNP và hai đại lý là Công ty Thanh Tâm và Công ty Hồng Quang có ký kết Bản Thỏa thuận bán hàng trên cơ sở các hợp đồng đã ký kết. Theo đó, Công ty Hồng Quang cam kết mua hàng trong 3 tháng 10, 11 và 12.2010 với tổng trị giá là 1,820 tỷ đồng. Trong đó có thỏa thuận về: Chính sách bán hàng (gồm có tỷ lệ chiết khấu và quyền mua Kit).

Thực hiện thỏa thuận, Đại lý Hồng Quang có yêu cầu và VNP1 cấp hàng là các loại thẻ trả trước: Mệnh giá nạp tiền qua SMS với tổng trị giá là 1.820.000.000.000 đồng. Sau khi trừ các khoản chiết khấu, Công ty Hồng Quang phải thanh toán cho VNP1 số tiền 1.697.475.600.000 đồng. Công ty Hồng Quang đã thanh toán cho VNP1 là 1.026.826.600.000 đồng và trả lại số hàng là 622.464.125.000 đồng (Theo công văn yêu cầu đòi trả lại hàng của VNPT1). Số tiền còn hụt trên bảo lãnh là 48.184.875.000 đồng do công ty đã ứng cho khách hàng quyền lợi mua kit mà VNPT1 chưa trả quyền mua kit này cho công ty .

Về phía VNP1 đã thực hiện việc chiết khấu ngay trên các hóa đơn bán hàng cho Công ty Hồng Quang là 6,7%. Đối với số chiết khấu bổ sung, do Hồng Quang chưa thanh toán nên VNP1 chưa trả chiết khấu bổ sung. Trong thời hạn thực hiện thỏa thuận bán hàng, Cty Hồng Quang 3 lần đặt mua Kit với số lượng trị giá mỗi lần 468.000.000 đồng. Từ ngày 18 đến 20.10.2010, AGribank Hà Nội đã phát hành các Thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty Hồng Quang mua hàng tại VNP1 với tổng trị giá bảo lãnh là 1.048.432.284.000 đồng.

Điều rất lạ lùng, không những không thừa nhận phía mình đã vi phạm thỏa thuận bán hàng, cụ thể là chưa thực việc cho Cty Hồng Quang mua Kít theo doanh số bán hàng mà VNP1 lại một mực cho rằng: Đến hạn, Công ty Hồng Quang không thanh toán và hết thời hạn bảo lãnh, Ngân hàng cũng không thực hiện trả nợ thay theo các thư bảo lãnh. VNP1 có các văn bản yêu cầu nhưng AGribank không thực hiện. Tiếp đó, VNP1 kiện AGribank ra Tòa, yêu cầu thanh toán số tiền 44.184.875.000 đồng và tiền lãi đến ngày 29.2.2012 là 6.426.361.000 đồng.

Sự thật bị thay đổi?

Bản tự khai ngày 12.1.2012 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là AGribank Việt Nam trình bày: Thư bảo lãnh thanh toán số 1500VSB201220102 di AGribank Hà Nội phát hành ngày 20.12.2010, thể hiện: "Bảo lãnh này bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho VNP1 theo Hợp đồng số 04/VNP1-TĐL-HQG ngày 2.3.2010 và Phụ lục hợp đồng ngày 29.11.2010 giữa Công ty Hồng Quang và VNP1. Số tiền bảo lãnh là 130.620.000.000 đồng. AGribank Hà Nội cam kết trả cho VNP1 số tiền nêu trên khi hết hạn thanh toán của hợp đồng, ngay sau khi nhận được văn bản của VNP1 thể hiện Công ty Hồng Quang chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng nói trên".

Từ đó, Agribank Hà Nội cho rằng, bảo lãnh thanh toán là có điều kiện, nên khi VNP1 có văn bản yêu cầu Ngân hàng thanh toán thì phải kèm theo các văn bản chứng minh nghĩa vụ trả nợ của Công ty Hồng Quang. "Qua tài liệu, chứng cứ chứng minh Hồng Quang và VNP1 đang vi phạm: Hợp đồng 04, Phụ lục hợp đồng ngày 29.11.2010 và Bản thỏa thuận bán hàng ngày 18.10.2010. Đến nay chưa xác định được công nợ, quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đang xảy ra tranh chấp trong việc chiết khấu và thanh toán được quy định tại Bản thỏa thuận bán hàng nên chưa có cơ sở để Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Đề nghị VNP1 và Công ty Hồng Quang phải khẩn trương giải quyết những mâu thuẫn và đối chiếu làm rõ khoản công nợ" - đại diện AGribank nêu lý do.

Đại diện Công ty Hồng Quang, bà Phan Thị Hồng vô cùng bức xúc cho biết trong thời gian thực hiện Hợp đồng và Bản phụ lục, công ty đã nhiều lần yêu cầu VNP1 cho mua Kit theo doanh số bán hàng như trong điều khoản tại Hợp đồng số 04 ngày 2.3.2010 và Bản thỏa thuận ngày 18.10.2010 nhưng VNPT1 không chịu thực hiện.

Phiên tòa chưa công bằng

Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VNPT. Xác nhận Công ty Hồng Quang còn nợ VNPT số tiền 48.184.875.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của VNPT đồng ý thanh toán cho Công ty Hồng Quang số tiền chiết khấu bổ sung là 3.544.435.000 đồng. Đối trừ, công ty còn nợ VNPT 44.640.440.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của VNPT đồng ý cho Hồng Quang mua Kit theo Hợp đồng 04 và Bản thỏa thuận bán hàng số 01/2010/VNP-TĐL trên doanh số bán hàng thời điểm đó. Tòa cũng buộc Agribank thanh toán cho VNPT thay cho Công ty Hồng Quang số tiền 44.640.440.000 đồng và 6.562.756.193.000 đồng tiền lãi. Tổng cộng 51.203.196.193 đồng.

 

 


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, bà Phan Thị Hồng, Giám đốc Công ty Hồng Quang là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có đơn xin phúc thẩm vụ án với các lý do:

Căn cứ vào tài liệu của vụ án này thấy rằng bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội là chưa công bằng, chưa đánh giá đầy đủ các chứng cứ có trong vụ án, gây thiệt hại nặng nề dẫn đến hệ lụy đẩy Công ty Hồng Quang đến bờ vực phá sản. Theo Biên bản thanh quyết toán công nợ được hai bên thống nhất ngày 1.6.2011, số tiền chỉ là 39.506.623.027 đồng. Và chiết khấu công ty được hưởng theo biên bản ngày 1.6.2011 là 8.678.251.973 đồng.

Tòa xác định nghĩa vụ bán trả Kit và thanh toán tiền chiết khấu bổ sung của VNPT là sự "tự nguyện" được Tòa ghi nhận, là hoàn toàn trái với thỏa thuận. Bởi, theo Bản thỏa thuận, hợp đồng đã ký, hai nghĩa vụ trên là quyền lợi của công ty và là nghĩa vụ, trách nhiệm của VNPT. "Không một lý do nào lại tước bỏ quyền lợi này của công ty chúng tôi và miễn trừ trách nhiệm, nghĩa vụ của VNPT Việt Nam" - bà Hồng khẳng định trong đơn kháng cáo.

Trở lại Bản thỏa thuận số 01/2010/VNP-TĐL, tại điểm (+) về Quyền mua Kit, nêu: Cứ 1 tỷ đồng mệnh giá thẻ, đại lý được quyền mua 2.000 Kit. Còn tại Biên bản thanh quyết toán công nợ ngày 1.6.2011, thể hiện: Số tiền còn nợ trên bảo lãnh là 48.184.875.000 đồng. Chiết khấu Hồng Quang được hưởng là 8.678.251.973 đồng. Số Kit VNPT1 nợ Hồng Quang là 2.691.489. Sau đối trừ, số tiền Cty phải trả cho VNPT1 là 39.506.623.027 đồng. "Như vậy, Công ty Hồng Quang nợ VNP1 39.506,623.027 đồng. VNP1 nợ công ty 2.691.489 bộ Kit" - biên bản nêu rõ và chốt: "Việc thanh toán số tiền 39.506.623.027 đồng được tiến hành đồng thời cùng với việc Vinaphone trả dần SIM cho Cty Hồng Quang và ra chương trình SIM đồng bộ lên thị trường".

Trước đó, vào các ngày 116 và 19.7.2011, Công ty Hồng Quang có các Công văn số 1003HQ/2011 và 1058HQ/2011 và nhiều công văn khác gửi VNPT, VNP1 và VNP với các yêu cầu: "Xin mua 2.794.660 SIM Alo và sim thường chia làm nhiều lần" và "Đề nghị VNP1 ra chương trình SIM trên thị trường để công ty bán được hàng và đặt mua dần số lượng 2.794.660 bộ Kit" theo tinh thần các văn bản đã ký kết, nhưng bị VNPT từ chối. "Ngoài ra, việc AGribank chưa phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bởi Công ty Hồng Quang và VNPT đã thỏa thuận việc thanh toán thực hiện đồng thời với việc trả SIM và ra chương trình đồng bộ trên thị trường" - bà Hồng nhấn mạnh lý do kháng án.

Nếu xét theo các hồ sơ, trình bày của đại diện Công ty Hồng Quang, thấy rằng, lý do kháng án của Công ty Hồng Quang hoàn toàn có cơ sở. Và bởi "nếu VNP1 thực hiện việc cho công ty mua 2.691.489 bộ Kit theo hợp đồng, đã không gây thiệt hại cho công ty chúng tôi và phát sinh khiếu kiện. Vì đa số các đại lý được hay thua là nhờ giá trị gia tăng ăn theo thời điểm của các bộ SIM, Kit" như bà Hồng trình bày với PV.

 

 

Mai Thủy (Theo Giáo dục Việt Nam)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo