Pháp luật

Vợ chồng Phạm Công Danh chia tài sản để khắc phục hậu quả?

(DNVN) - Tại phiên xử ngày 9/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành hỏi bị cáo Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi (vợ Danh) về tài sản khắc phục hậu quả của vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo tin trên báo Giao Thông, ngày 9/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần xét hỏi.

HĐXX đã yêu cầu Phạm Công Danh và vợ là bà Quách Kim Chi phải cung cấp toàn bộ hồ sơ, cơ sở pháp lý xung quanh phần vốn góp của bị cáo Danh và bà Chi tại Công ty TNHH hai thành viên Tập đoàn Thiên Thanh. Trong đó, Phạm Công Danh trình bày có 80% vốn góp (tương đương 800 tỷ đồng), bà Chi có 20% vốn góp (tương đương 200 tỷ đồng) trên tổng số 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty.

Trước đó, trong nhiều buổi xét hỏi, bị cáo Danh luôn khẳng định, sẽ bàn bạc với gia đình để bán tài sản khắc phục hậu quả. Về việc khắc phục hậu quả, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chí Bình, nguyên giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Du lịch IDICO thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, hỏi Phạm Công Danh có chịu giao các tài sản khác ngoài các tài sản đã bị kê biên để khắc phục không. Bị cáo Danh cho rằng, mình sẵn sàng, nhưng một số tài sản của vợ bị cáo thì do bà Chi quyết định.

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Báo Giao Thông.

Cùng về vấn đề này, bà Chi nói, nếu tài sản riêng của bà thì bà bảo lưu đề nghị HĐXX xem xét đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bà Chi cũng khẳng định với những tài sản không nằm trong trách nhiệm của bà thì sẽ bàn lại với chồng để “xem xét chia sẻ như thế nào”.

Đây là lần thứ hai, bị cáo Danh được toà chấp nhận cho có những trao đổi riêng về tài sản khắc phục hậu quả vụ án. Trước đó là lần "gặp riêng" để bàn về việc bán khu đất ở sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng, theo tin trên báo Pháp Luật TP. HCM.

Tại phiên tòa, trả lời luật sư, bị cáo Danh nói: “Mong muốn của tôi là khắc phục hậu quả. Tài sản của Thiên Thanh thì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa tôi và vợ tôi. Tài sản là của chung của vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này vì còn quyền của vợ tôi. Mong muốn khắc phục là mong muốn của riêng tôi”.

Cũng theo ông Danh, từ một công ty TNHH để trở thành Tập đoàn Thiên Thanh thì vốn điều lệ liên tục tăng qua từng giai đoạn. Để nâng vốn điều lệ có lúc thì tiền mặt có lúc là hiện vật nhưng do sức khỏe bị cáo kém nên bị cáo nhớ không rõ...

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo