Xã hội

Vỡ đường dẫn thủy điện Sông Bung 2: Những điều chưa kể

(DNVN) - Đường hầm dẫn dòng ở thủy điện Sông Bung 2, tại xã biên giới La ÊÊ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) với đường kính hơn 14m đã bị bục vỡ, đe dọa tính mạng vạn người dân.

Theo tin tức ban đầu, chiều 13/9, khi bão số 4 vừa tan trên đất liền, những cơn mưa “dội bùn” (mưa sau bão - lũ) bắt đầu ập xuống miền Trung thì thông tin vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 trên thượng nguồn dội về. 

Hiện trường sự cố thủy điện sông Bung 2. Ảnh: THANH HẢI/báo Lao động.

Hàng vạn dân vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn - nơi có gần chục nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lại hốt hoảng bỏ của chạy thục mạng để phòng tránh lũ. Ven tuyến QL 14B, đoạn qua huyện Đại Lộc, người dân đã dắt díu nhau sơ tán lên đường cao với tâm lý hoang mang tột độ. Hàng vạn người khác ở ven sông Thu Bồn như huyện Điện Bàn, TP. Hội An cũng tính chuyện sơ tán. Dân chúng, cán bộ điện thoại nhau rộn khẩn, báo Lao động đưa tin.

Sự cố bục, vỡ đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra lúc 4h chiều 13/9, tuy nhiên do nước ở thượng nguồn đổ về dữ dội như sóng thần, kèm theo tin khẩn báo có hàng chục người mất tích đã khiến thông tin vỡ đập bị đồn đoán càng đáng tin. 

Đến 7h tối cùng ngày, khi ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang lên đến hiện trường thì thông tin xác tín không vỡ đập mới chắc chắn để trình báo cho UBND tỉnh Quảng Nam, Văn phòng Chính phủ.

Ngay trong đêm tối, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Khánh Toàn cùng lãnh đạo Sở Công Thương, BCH Quân sự, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tức tốc lên đường, vượt hơn 200km, trong đó có đến 50km đường rừng để có mặt tại hiện trường lúc 0h ngày 14/9, kịp xử lý tình huống. Dẫu vậy, khi thông tin chính thức được phát đi thì hàng triệu người dân vùng hạ du đã một phen khiếp vía, hết đêm không ngủ.

Ông Briu Thiên (thôn La Bơ B, xã Chaval, H.Nam Giang) kể với phóng viên báo Thanh niên: “Khi thủy điện Sông Bung 2 bị sự cố thì nước từ thượng nguồn nhiều như trên trời đổ xuống”. Thời điểm đó, ông Thiên thuộc nhóm 18 người đi trồng rừng thay thế của dự án thủy điện này. “Khi nước lũ từ nguồn đổ về, tôi rất hoảng sợ, chỉ kịp bám vào một cành cây để đu lên khỏi mặt nước”, ông Thiên tiếp lời.

 

Cùng nhóm người đi trồng rừng, ông Arất Biu kể lại, gỗ và củi từ thượng nguồn theo dòng lũ như một cơn lốc tràn về nơi ông ngồi mài rựa bên bờ sông. “Cả đêm hôm đó tôi không ngủ, chưa bao giờ tôi thấy trận lũ dữ dội như vậy. May mắn hôm sau con trai tôi đã cùng dân làng đi tìm và đã gặp lại tôi và vợ”, ông Biu nói.

Báo cáo tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ Công thương, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 2 (GENCO2, chủ đầu tư dự án thủy điện), cho biết sự cố xảy ra chỉ 10 ngày sau khi cửa van hầm dẫn dòng thi công (hầm dẫn nước sông chảy sang hướng khác để thi công đập chính) đóng để tích nước. 

Thời điểm đó, nước trong hồ còn 33 m nữa mới đến mực nước dâng bình thường. Ông Hải lý giải, do mưa diện rộng nên lưu lượng nước về hồ rất lớn (650 m3/giây).

“Áp lực nước lớn đã tống và đẩy trôi 1 trong 2 cánh van chặn dòng làm bằng thép nặng 125 tấn, cuốn trôi, tạo ra dòng nước rất lớn chảy về hạ lưu”, ông Hải nói và cho biết khi xảy ra sự cố, tại hạ lưu đang thi công nút chặn hầm dẫn dòng và tiến hành đắp đê quai hạ lưu, bơm thoát nước để làm công tác chuẩn bị đổ bê tông nút hầm. 

Đa số công nhân đã kịp chạy thoát nhưng 2 công nhân vận hành máy đào là anh Đặng Văn Tuyền (quê Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (quê Phú Thọ) bị lũ cuốn mất tích.

 

Tại hiện trường, dòng nước cũng cuốn trôi 2 ô tô 7 chỗ, 2 máy đào, 1 xe cẩu 25 tấn, 4 xe vận tải ben cùng một số thiết bị máy bơm, máy hàn…

Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9 tiếp tục có công điện yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo H. Nam Giang và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, xác minh cụ thể thiệt hại do sự cố, nhất là thiệt hại về người, báo cáo Thủ tướng; 

Huy động các lực lượng của địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích và những người còn chưa liên lạc được. Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo