Pháp luật

Vỡ nợ vì... hợp đồng

Khi giá cà phê sụt giảm, đại lý, doanh nghiệp tư nhân cung ứng cà phê cho nhà xuất khẩu bị vỡ nợ. Đến khi giá tăng cao thì nhà xuất khẩu vỡ nợ hoặc thua lỗ mà căn nguyên trước hết là do hớ từ... hợp đồng mua bán.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) - Ông Lương Văn Tự cho biết, khoảng 50% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thế giới là từ Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp tham gia kinh doanh và xuất khẩu cà phê có trình độ về pháp lý và kỹ năng giao dịch ngang tầm quốc tế không nhiều.

 

Đó là lý do góp phần làm cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê kém hiệu quả và thường bị nhà nhập khẩu ép giá.

 

“Nắm đằng chuôi” vẫn bị chi phối

 

Theo ông Nguyễn Hữu Chí - Ủy viên chuyên trách Hội đồng cạnh tranh, tuy đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhà nhập khẩu chi phối ở khâu soạn thảo hợp đồng mua bán. Nắm bắt được tâm lý ngại tranh chấp pháp lý, một số nhà nhập khẩu đã cố tình tạo sự cố trong hợp đồng để gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

 

Điều đáng nói là các doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng công tác pháp chế hợp đồng. Theo phân tích của ông Chí, đối với các hợp đồng nội, các Công ty xuất khẩu ký kết với các đơn vị cung ứng trong nước quá đơn giản, thậm chí không ký hợp đồng và đã có trường hợp phải đưa ra tòa án nhờ can thiệp.

 

Nội dung một số hợp đồng trong nước quy định có vẻ chặt chẽ nhưng nếu tranh chấp phát sinh thì bên vi phạm không thể thực hiện được.

 

Còn đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê lại ký hợp đồng theo các mẫu chủ yếu do nhà nhập khẩu đưa ra.

 

Hiện các hợp đồng mua bán quốc tế chủ yếu được ký kết theo các mẫu do người mua đưa ra và theo điều kiện chung của Liên đoàn Cà phê châu Âu (EEC), chủ yếu bảo đảm quyền lợi của chính họ như người mua có quyền bớt tiền khi chất lượng không đảm bảo, cân hàng ở cảng đến... rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo đó, mục đích chính là để đảm bảo quyền lợi cho người mua cà phê, gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam chưa thật sự coi trọng công tác pháp chế hợp đồng

Một số điểm bất lợi cụ thể được ông Chí nêu ra như: về chất lượng, cà phê bị hỏng hoặc có khác biệt cơ bản trong chất lượng, bên mua có quyền bớt tiền... bằng cách lập hóa đơn.

 

Về thời gian cân hàng tại cảng đến và thời hạn khiếu nại, dù qui định của EEC đã rất bất lợi cho phía Việt Nam nhưng có những hợp đồng còn quy định thời gian dài hơn so với qui định của EEC.

 

Trong phương thức thanh toán, khảo sát từ hiệp hội cho thấy, hầu hết các hợp đồng đều theo CAD, không có hợp đồng nào sử dụng L/C-  ông Chí phân tích.

 

Cần hợp đồng của... mình

 

Theo ông Chí, trong việc mua bán cà phê, nhiều nước trên thế giới đều có hợp đồng do bên mua soạn thảo. Cụ thể, các nước Châu Âu thường ký kết hợp đồng theo mẫu của Liên đoàn cà phê châu Âu. Mỹ cũng có hợp đồng mẫu soạn sẵn để yêu cầu bên bán cà phê ký vào.

 

Lâu nay, Việt Nam bán cà phê cho các nước thường ký theo hợp đồng của nhà nhập khẩu soạn nên ít nhiều bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Đã đến lúc, Việt Nam cần phải có một hợp đồng xuất khẩu cà phê dùng chung cho tất cả doanh nghiệp - ông Chí nói.

 

Việt Nam phải học cách làm của Brazil, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải sử dụng một mẫu hợp đồng thống nhất do nước này soạn thảo.

 

Là doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Tường Lân - Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, nếu Vicofa yêu cầu phải sử dụng một mẫu hợp đồng xuất khẩu thống nhất thay vì mỗi Công ty có một hợp đồng xuất khẩu như hiện nay đó cũng là vì lợi ích của doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các nhà nhập khẩu có đồng ý với không lại là chuyện khác - ông Lân chia sẻ. Ông Lân cho rằng, để hợp đồng xuất khẩucà phê của Việt Nam được chấp nhận rộng rãi thì Vicofa nên đưa vấn đề này vào Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) trước khi áp dụng.

 

Vì  vậy, để nhằm giảm tổn thất và rủi ro pháp chế ở hợp đồng xuất khẩu, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã soạn thảo bản quy định điều kiện chung hợp đồng xuất khẩu cà phê. Nội dung gồm các điều khoản về trọng lượng, đóng gói, chất lượng, thanh toán, trọng tài. Đây cũng là một cách để giúp doanh nghiệp  Việt Nam tránh “bẫy” hợp đồng.

 

Tuy nhiên, như ông Lân chia sẻ, liệu các nhà nhập khẩu có chấp nhận ?             

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo