Xã hội

Vỡ ống nước Sông Đà 7 lần: Giám đốc dự án lần đầu "giải trình"

“Chúng tôi đã họp bàn, phân tích, tranh luận nhưng cũng chưa tìm được nguyên nhân thuyết phục. Khi xác định được nguyên nhân mới có thể biết được trách nhiệm thuộc về ai…”.

Đại diện chủ đầu tư dự án cấp nước Sông Đà lý giải như vậy về sự cố vỡ ống nước với phóng viên tại buổi thông tin báo chí chiều 6/5.

Nhiều lần họp bàn song chủ đầu tư vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ ống nước Sông Đà. Ảnh ST
 
Trả lời các câu hỏi liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đến 7 lần trong thời gian qua, ông Hoàng Thế Trung – Nguyên giám đốc BQL dự án nước Sông Đà khẳng định: Tất cả các khâu từ lập dự án thiết kế, đến thi công chủ đầu tư đều tuân thủ các quy trình.
 
Một vấn đề được ông Trung dẫn ra là cùng thời điểm triển khai làm dự án này còn có dự án đường Láng Hòa Lạc thi công. Phía chủ đầu tư dự án nước sạch đã liên hệ xin bản thiết kế, xác định đoạn nền đất yếu nằm phía bên trái cao tốc Láng Hòa Lạc, phải xử lý gia cố. 
 
Tuy nhiên "đoạn nền đất yếu không được phía công ty xử lý, vì nếu xử lý sẽ trùng với dự án xây dựng đường Láng Hòa Lạc, gây lãng phí", ông Trung nói. 
 
Sau khi Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đưa ra giải pháp thiết kế, chủ đầu tư đã sử dụng ống nước ngắn từ 2 – 6 mét, thay vì ống thông thường chiều dài 12 m.
 
Về nghi ngờ chất liệu ống nước, với nhiều khuyến cáo do các chuyên gia nêu lên vừa qua, ông Trung cho biết “mới chỉ được nghe chứ không có khuyến cáo bằng văn bản nào gửi về”.
 
Ông Trung cũng nhấn mạnh, trước đó phía Vinaconex đã cử đoàn sang Tây Ban Nha học hỏi công nghệ. “Việc quyết định sử dụng vật liệu này ở thời điểm đó, tôi nghĩ giờ vẫn phù hợp. Việc này cũng được thực hiện đúng quy trình, tư vấn đề xuất, và chủ đầu tư kiểm tra, quyết định sử dụng”.
 
Phía chủ đầu tư cũng cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này 1.153 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí từ bằng vốn của DN (vay 70%, 30 % vốn tự có) chứ không hề sử dụng nguồn vốn NSNN.
 
Đề cập đến việc có đùn đẩy trách nhiệm không? Tại sao 2 năm vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sự cố? Ông Trung cho biết, mặc dù không còn phụ trách đơn vị cấp nước nữa, nhưng ông vẫn quan tâm và thường xuyên có sự trao đổi.
 
“Dự án đó có nhiều khâu, nhiều công đoạn. Việc đưa ra nguyên nhân cũng khác nhau. Người cho thi công có vấn đề, người cho sử dụng đường ống không đạt yêu cầu… Chúng tôi đã họp bàn, phân tích, tranh luận nhưng cũng chưa tìm được nguyên nhân thuyết phục”.
 
Ông Trung lý giải và cho biết từ thực tế đó, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình cùng các đơn vị liên quan vào cuộc.
 
“Chúng tôi mong muốn với khả năng, trình độ KHCN cao, các chuyên gia sẽ tìm được nguyên nhân. Khi xác định được nguyên nhân, từ đó mới có thể biết được trách nhiệm thuộc về ai…Là người phụ trách thi công dự án, sự cố xảy ra tôi cũng buồn lắm” – ông Trung nói.
 
Cùng đề cập đến vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn nói, khi xảy ra sự cố, phía công ty đã thành lập ban chỉ đạo, và tổ phản ứng nhanh để khắc phục sự cố. Nếu lần đầu tiên sự cố kéo dài trong 72 tiếng, thì lần gần đây nhất đã được khắc phục trong vòng 11 giờ.
 
“Đây là sự cố bất khả kháng nhưng phía công ty vẫn dồn tổng lực để khắc phục, giảm thiệt hại ít nhất cho dân” – ông Tốn cho hay.
 
Liên quan đến việc nhiều khu vực không được cấp nước vào dịp 30/4 và 1/5, ông Tốn cho biết nguyên nhân do sự cố điện lưới Hòa Bình, gây mất nước. Phía công ty phải khắc phục ên người dân “có cảm giác áp lực yếu”.
 
“Thời gian tới phía công ty sẽ cố gắng bảo trì bảo dưỡng…nhưng cũng khó tránh khỏi sự cố. Khi có sự cố, phía công ty hoàn toàn chủ động vào cuộc để khắc phục”.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo