Môi trường

Voi Châu Phi trên bờ tuyệt chủng

Nếu không thi hành ngay các biện pháp kiên quyết, trong ngắn hạn, loài voi châu Phi sống hoang dã có thể sẽ bị tận diệt, do nạn săn bắn lấy ngà voi. Đó là báo động của các chuyên gia tại hội nghị Botswana.

Chuẩn bị thiêu hủy 6,1 tấn ngà voi tịch thu được từ nạn buôn lậu tại Ethiopia, ngày 20/03/2015.

 

Phát biểu trước các đại biểu của khoảng 20 tổ chức phi chính phủ và đại diện khoảng 20 chính phủ, Dune Ives, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Vulcan của nhà tỷ phú Mỹ Paul Allen lưu ý rằng trong 5 năm nữa chắc là đã quá trễ để có thể cứu nguy cho loài voi châu Phi.

 

Khỏi cần tìm ví dụ đâu xa, mới thứ hai vừa rồi, Công viên Quốc gia Garamba ở miền Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo, vừa thông báo là chỉ trong vòng có hai tuần, 30 con voi ở đây đã bị bắn hạ.

 

Dĩ nhiên không thể nào có được con số chính xác, nhưng người ta thẩm định là ở Châu Phi vào năm 2013 chỉ còn 470 ngàn cá thể voi sống hoang dã, giảm nhiều so với 550 ngàn con vào năm 2006.

 

Với nhịp độ từ 25 ngàn đến 30 ngàn voi bị bắn hạ mỗi năm, tỷ lệ tử vong nay cao hơn tỷ lệ sinh sản của loài này. Nên nhớ rằng  voi chỉ đẻ mỗi lần một con, sau 21 tháng mang thai. Như vậy là nếu tình trạng này tiếp diễn thì voi Châu Phi chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất khỏi lục địa này.

 

Xu hướng giảm số voi hoang dã được nhìn thấy rõ nhất ở Tây Phi, ở Kenya và Tanzania. Phần lớn ngà voi được đưa ra khỏi Châu Phi qua các hải cảng của Tanzania và Kenya.

 

Ngà voi Châu Phi thường trung chuyển qua Malaysia,  Philippines hay Hồng Kông, trước khi đến thị trường cuối cùng là Trung Quốc và một phần nào đó là Thái Lan. Tại các nước này, ngà voi được chế biến thành nữ trang hoặc tạc thành tượng, rất được các nhà giàu ở Châu Á ưa chuộng.

 

Chính vì vậy mà Bộ trưởng Du lịch và Đời sống Hoang dã Botswana đã tuyên bố rằng, dù muốn dù không, giải pháp cho tệ nạn này là hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc. Các đại biểu tham dự hội nghị Botswana cho hãng tin AFP biết là trong một phiên họp kín, một đại biểu Trung Quốc đã yêu cầu quốc tế ngưng xếp nước họ vào danh sách cần lên án và hãy xem họ như là một đối tác.

 

Đại biểu Trung Quốc này khẳng định là Bắc Kinh đã trợ giúp tài chính cho nhiều nước Châu Phi để đào tạo các đội chống săn bắn trái phép và cũng đã tăng cường hệ thống luật lệ để diệt trừ nạn buôn lậu ngà voi. Nhiều nước Châu Phi cũng thay nhau trình bày những nỗ lực của họ trong lĩnh vực này : tăng cường luật lệ, hợp tác quốc tế, thông tin tuyên truyền đến các cộng đồng dân cư vùng quê...

 

Về phía các tổ chức phi chính phủ, những người bi quan thì ghi nhận là những lời hứa hẹn đó chưa biến thành thực tế, còn những người lạc quan thì nhận thấy là chưa bao giờ châu Phi có quyết tâm như thế để giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc.

PV (biên tập)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo