Môi trường

Voi có nguy cơ tuyệt chủng: Ì ạch bảo tồn

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 773/QĐ-TTg về khẩn trương triển khai kế hoạch hành động bảo tồn voi, thực hiện tại Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu

Nguyên nhân chậm trễ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu là vì các địa phương chưa được bố trí kinh phí thực hiện. Do đó, bộ vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng gia hạn kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2020 với tên gọi “Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi Việt Nam”.

 

Quá chậm và thụ động



Indonesia, sáu trung tâm huấn luyện được thành lập từ năm 1985, về sau đổi tên thành trung tâm bảo tồn voi, hiện đang tạo điều kiện sống tốt cho 350 con voi nhà.

Sri Lanka, khoảng 4.000 - 5.000 con voi hoang dã được bảo vệ tốt nhờ chính sách kiên trì giữ khu rừng và hệ thống vườn quốc gia.
Ấn Độ cũng rất thành công với việc thành lập 25 trung tâm bảo tồn, bảo vệ môi trường sống và phục hồi cách thức di trú truyền thống của các đàn voi hoang dã.
Thái Lan, ngoài kết quả bảo tồn, gần đây, họ đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công, qua đó mở ra khả năng mới cho bảo tồn voi bền vững…

 

Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, tại tỉnh Đồng Nai, voi sinh sống ở 3 khu vực gần nhau: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà.
 
“Tình trạng của đàn voi rất nguy cấp, nếu dự án bảo tồn voi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kéo dài đến năm 2020 thì e rằng voi đợi không nổi!” - ông Mùi lo lắng.
 
Chính vì thế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án xây dựng hàng rào điện nhằm hạn chế xung đột giữa voi và người trên địa bàn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
 
Theo đó, xây 20 km hàng rào điện cố định và 10 km hàng rào điện di động với tổng kinh phí chín tỉ đồng. Năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ghi vốn cho dự án ba tỉ đồng, bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2012, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành.
 
Tuy nhiên, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết Nghệ An và Đắk Lắk đều đã xây dựng kế hoạch và được bố trí vốn cho dự án bảo tồn voi trước năm 2010 (Đắk Lắk 66 tỉ đồng, Nghệ An 14 tỉ đồng). Còn Đồng Nai thì đến cuối năm 2011 mới gửi dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định.
 
Khi đó đã hết thời hạn thực hiện kế hoạch nên không tìm được nguồn vốn bố trí cho Đồng Nai (dự kiến khoảng 35 tỉ đồng). Dù vậy, theo ông Liên, tuy chưa được bố trí vốn cho dự án cụ thể nhưng các địa phương nói trên vẫn có nguồn vốn từ kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm, trong đó có hạng mục bảo tồn voi, để sử dụng trước.
 

Loay hoay, lúng túng

 

Tỉnh Đắk Lắk cũng được yêu cầu bảo tồn voi khẩn cấp theo Quyết định 733/2006/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quyết định này bị những người có trách nhiệm ở tỉnh Đắk Lắk “hiểu nhầm” thành dự án phát triển du lịch nên giao cho Sở Thương mại và Du lịch (trước đây) triển khai.
 
Do sở này không có chuyên môn về bảo tồn động vật hoang dã nên sau một thời gian lúng túng, kế hoạch khẩn lại quay về… điểm xuất phát! Trước thực trạng số lượng voi suy giảm nhanh chóng, đến ngày 26/10/2010, Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015 mới được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
 
Khai thác du lịch quá mức là nguyên nhân khiến voi không thể sinh sản
 
Kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc, bệnh viện cho voi trên diện tích 200 ha tại Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề xuất nhưng không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý vì nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
 
Hiện Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành khảo sát nhằm xin 200 ha tại khu vực vành đai Vườn Quốc gia Yok Đôn để xây dựng trung tâm bảo tồn voi.
 

Như vậy, sau hơn một năm dự án bảo tồn voi Đắk Lắk được phê duyệt, đến nay cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay tìm vị trí xây dựng.

 

Ngoài ra, để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì môi trường sống của chúng, song tỉnh Đắk Lắk chưa thể hiện rõ quyết tâm làm điều này.
 
Trong hàng trăm ngàn hécta rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp, chỉ có Vườn Quốc gia Yok Đôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn ít bị tác động, còn lại đều là rừng sản xuất của các công ty lâm nghiệp Ea H’Mơ, Ya Lốp - khu vực sinh sống của nhiều voi rừng.
 
Tuy vậy, phương án chuyển đổi các công ty lâm nghiệp sang bảo tồn voi hoặc tiếp tục khai thác đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
 

Thiếu tiền

 

Một nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án triển khai chậm đó là do thiếu kinh phí. Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk có kinh phí 61 tỉ đồng, hoạt động trong vòng 5 năm nhưng hiện mới chỉ giải ngân được 350 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên.

 

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, nói: “Nếu có kinh phí thì chúng tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng hai trạm giám sát voi ở huyện Buôn Đôn và Lắk. Mỗi trạm sẽ biên chế năm người, có nhiệm vụ giám sát, thống kê các dữ liệu của voi để làm cơ sở khi đưa voi vào trung tâm bảo tồn”.

 

Dù vậy, có trung tâm bảo tồn voi nhưng nếu thiếu chính sách tốt cho các chủ voi thì khó có thể đưa voi vào trung tâm. Hiện nay, hầu hết số voi nhà của Đắk Lắk đều được đưa vào phục vụ các khu du lịch. Mỗi ngày, mỗi chủ voi thu về gần một triệu đồng, nếu đưa voi vào chăn thả tập trung thì các chủ voi sẽ thất thu.
 
Theo ông Luân, đây thực sự là vấn đề nan giải. Với tình hình kinh phí eo hẹp như vậy, chưa biết làm thế nào có đủ tiền trả cho các chủ voi để “thu hồi” và đưa voi vào trung tâm bảo tồn!
 
Theo NLĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo