Vốn đầu tư ngoài ngành của EVN vượt xa vốn điều lệ
Theo kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Thanh tra Chính phủ công bố sáng 10/1, EVN đã có một số sai phạm về vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, giá trị đầu tư ngoài ngành của EVN đã vượt hơn 45 nghìn tỷ so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, EVN thực hiện đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, vượt tỷ lệ cho phép của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Với thực tế đó, tính đến năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là hơn 2,7 lần còn hệ số giữa nợ phải trả và vốn sở hữu của Công ty mẹ EVN hơn 3,2 lần.
Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tiền phí dịch vụ môi trường hơn 500 tỷ đồng theo quy định. Đến khi có kết luận thanh tra, EVN mới chịu nộp.
Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành, làm tăng chi phí sản xuất định năm 2011 hơn 223,9 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty mẹ EVN vẫn mua 2 xe ô tô sang Toyota Land Cruise vượt quy định 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho biết, Công ty mẹ EVN và Viettel chưa xử lý khoản công nợ liên quan đến bàn giao tài sản viễn thông. Trong đó, hơn 1,5 nghìn tỷ đồng là khoản EVN Telecom phải trả cho các tổng công ty điện lực; hơn 1,5 nghìn tỷ đồng là khoản Viettel nhận nợ thanh toán cho các đối tác của EVN Telecom; hơn 5,5 nghìn tỷ đồng là khoản phải thanh toán cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng của EVN Telecom; hơn 2,7 nghìn tỷ đồng là khoản phải trả cho EVN.
Nhiều đơn vị thành viên của EVN cũng có sai phạm, trong đó đáng chú ý là Tổng công ty Điện lực Hà Nội không bảo toàn được vốn trong năm 2011. Vốn đầu tư của EVN Hà Nội giảm 328,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn điều lệ vượt quá quy định.
Tong khi đó, Tổng công ty Điện lực Tp.HCM (EVN HCM) đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính (vào bất động sản) hơn 141 tỷ đồng, nhưng lại hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh điện khoản trích khấu hao tài sản thuộc dự án cao ốc. EVN HCM cũng thực hiện chậm 66 trong tổng 114 dự án, làm phát sinh nhiều chi phí.
Theo Thanh tra Chính phủ, các tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có sai phạm.
Liên quan đến trách nhiệm các bộ ngành, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc Bô Công Thương phê duyệt cho EVN xây khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa nhưng thực tế là nhà biệt lập, song lập, liền kề, chung cư cao tầng, đi kèm là bể bơi, sân tenis... để phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên 595,8 tỷ đồng là chưa đúng quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có sai sót trong việc không báo cáo việc khoanh nợ của EVN với Tập đoàn Dầu khí, phê duyệt thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên EVN trái với chỉ đạo của Thủ tướng.
Với kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm trên.
Thanh tra cũng đề nghị Chính phủ giao EVN thực hiện lộ trình thoái vốn khỏi những dự án đầu tư ngoài ngành nghề chính của công ty mẹ EVN và một số đơn vị khác. Cơ quan này cũng đề xuất xử lý số tiền hơn 8 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của lãnh đạo EVN và mua ôtô sai quy định.
EVN khẩn trương thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đề xuất xử lý hơn 107 tỷ đồng do hạch toán sai quy định và chi vượt định mức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)