Vốn FDI chảy vào Việt Nam cao kỷ lục
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, cả nước có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 14,56 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016; có 878 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,75 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016 và 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,16 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung trong 9 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 12,64 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng đầu năm. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,37 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,58 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét theo đối tác đầu tư, trong 9 tháng qua, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,91 tỷ USD, chiếm 23,17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,14 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, trong 9 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó TP. HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,74 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 3,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,14 tỷ USD chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW; Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW....
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu