Vốn ngoại 'rót' vào Việt Nam tăng 135%
Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/2/2016 cả nước có 291 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,905 tỷ USD, tăng 167,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng đến thời điểm này, có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 898 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,803 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu xét theo lĩnh vực đầu tư thì trong 2 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 142 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,99 tỷ USD, chiếm đến 71,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng đầu năm.
Trong khi đó, với 1 dự án lớn tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí đứng thứ hai, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải với 3 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 161 triệu USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét theo đối tác đầu tư, trong thời gian qua, có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đóm Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 468,9 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 384 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 285,5 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.
Còn xét theo địa bàn đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 36 tỉnh thành phố, trong đó Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 14 dự án cấp mới và 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 494 triệu USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 287,6triệu USD, chiếm 10,2%. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 252,3 triệu USD chiếm 9% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng đầu năm 2016:
- Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam, tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD do Berjaya corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên xổ số điện toán Việt Nam đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu Kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán, bao gồm xổ số tự chọn số theo ma trận, xổ số tự chọn số theo dãy số, xổ số tự chọn số quay số nhanh và xổ số tự chọn số điện toán - Dự án Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam (VPR) do Zincox Resources Public Limited Company (Vương quốc Anh) đầu tư với tổng vốn đầu tư 115 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. - Dự án Nhà máy sản xuất trang phục may mặc do công ty TNHH Maple (Singapore) với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh. - Dự án nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New wing, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang đầu tư tại Bắc Giang. - Dự án Công ty TNHH Sing Mark Vina, được cấp phép năm 2004 với mục tiêu sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất và sản xuất ghế nệm sofa tại Đồng Nai điều chỉnh tăng 100 triệu USD.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo