Thị trường

Vốn rẻ vẫn chưa tới tay doanh nghiệp, nông dân

Sau nhiều tháng công bố hạ lãi suất cho vay, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể vay được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng. Điều đáng nói là ngay cả nhóm đối tượng nằm trong diện được ưu tiên vay vốn cũng rất khó vay.

Là khách hàng VIP của ngân hàng Sacombank nhưng đến ngày 5/6, ông H. vẫn bị nhà băng này tính lãi suất 17 – 18%/năm cho khoản vay hàng chục triệu đôla Mỹ nhập nguyên liệu thức ăn và kinh doanh thực phẩm.

 

 

Lãi suất thấp vẫn là... mơ

 

Ông H. nói ngay sau khi ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất huy động cách nay hơn tháng, nhân viên kế toán công ty liên hệ ngân hàng hỏi thông tin hạ lãi suất thì liền được trả lời phải có lộ trình. Sau nhiều lần hỏi tới hỏi lui, đến nay nhân viên tín dụng vẫn giải đáp rằng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay, trước đây ngân hàng huy động lãi cao nên bây giờ không thể giảm nhanh được.

 

Tương tự, công ty gạo Vinh Phú (TP. Hồ Chí Minh) vừa thế chấp căn nhà trị giá nhiều tỉ đồng, mới vay được mấy trăm triệu từ một ngân hàng thương mại để bổ sung vốn kinh doanh gạo. Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc công ty này khẳng định ông gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng không nơi nào chấp nhận hạ lãi suất về 15 – 16%/năm, nên phải đành chấp nhận mức 18% ở một ngân hàng thương mại lớn tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Một số doanh nghiệp khác cũng bức xúc việc tiếp cận nguồn vốn rẻ như ngân hàng công bố là điều không tưởng. Đi đến đâu doanh nghiệp cũng được nhân viên ngân hàng ca bài ca giảm lãi suất phải có lộ trình.

 

Ông Đức, một chủ trại chăn nuôi ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết cách nay không lâu gia đình cầm sổ đỏ 4ha đất nông nghiệp, cộng thêm tài sản là nhà cửa lên chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện vay tiền đầu tư chuồng trại nuôi gà, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Điều đáng nói là hộ ông Đức thuộc một trong bốn đối tượng mà ngân hàng Nhà nước xếp loại ưu tiên bơm vốn.

 

Đến ngày 5/6, ông Đức nói lãi suất của khoản vay 10 tỉ đồng của ông vẫn còn 16,5%/tháng.

 

Khó chồng thêm khó

 

Lãi suất cao trong bối cảnh đầu ra thị trường vẫn khó khăn, gây khó chồng khó cho doanh nghiệp. Ông Vũ Ngọc Duy cho hay doanh số bán gạo tháng 5 vừa qua giảm 300 triệu đồng, chỉ còn 700 triệu đồng so với tháng 4. Ông cũng cho biết, nếu như trước đây dòng gạo thơm giá trên 20.000 đồng/kg bán rất chạy ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, thì nay bán chậm. “Kinh tế khó khăn nên bây giờ người dân chỉ chọn loại gạo 16.000 – 18.000 đồng/kg”, ông nói. Hơn nữa, việc có hàng loạt doanh nghiệp phá sản cũng khiến doanh số bán gạo ở phân khúc bếp ăn công nghiệp, quán cơm giảm sút.

 

Theo tính toán của ông Duy, với lãi suất 18%/năm, chi phí vốn chiếm tương đương 2% giá thành mỗi ký gạo, khiến doanh nghiệp khó hạ giá để tăng doanh số.

 

Không chỉ mặt hàng gạo, các hộ chăn nuôi cũng đang phải bán sản phẩm gia cầm, heo, thuỷ sản dưới giá thành nên việc lãi vay “không chịu hạ” đang bóp nghẹt họ. Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm) cho biết, ngay thời điểm này công ty vẫn phải chịu lãi suất 17 – 18% chứ không hề được ưu tiên vốn rẻ như ngân hàng công bố. “Thị trường ế ẩm, sản phẩm thì bán dưới giá thành, cộng thêm lãi vay cao thì cả nông dân, doanh nghiệp đều gặp khó”, ông nói.

 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà đẻ ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho rằng lúc này ngân hàng cần sòng phẳng giảm nhanh lãi suất cho đối tượng ưu tiên như đã công bố. Hiện nay, theo ông Ngọc, hầu hết người chăn nuôi đều đang sống dở chết dở vì giá thực phẩm quá thấp. Bản thân ông Ngọc đang vay 8 tỉ đồng vốn ngắn hạn, lãi suất ưu đãi 15,3%/năm từ ngân hàng nông nghiệp để mua thức ăn.

 

Ông Ngọc khẳng định, với lãi suất ưu đãi nhưng vẫn còn cao như vậy, khoản đầu tư này ông không có lời. Giá gà trắng công nghiệp hiện chỉ ở mức 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 2.500 – 3.000 đồng.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo