Xã hội

Vụ 7 học sinh bị sóng cuốn, trách nhiệm thuộc về ai?

10h30 ngày 30/12, nhiều phóng viên báo chí có mặt trước cổng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng – Bình Dương). Cánh cổng sắt kiên cố đóng chặt cho đến lúc tan trường, học sinh được ra về bằng…cửa sau.

Cổng trường khép chặt

Sau khi 7 thi thể học sinh của trường chết đuối trong chuyến tham quan Cần Giờ ngày 29/12 được tìm thấy và được đưa về quê nhà, nhiều phóng viên đã tức tốc lên đường đến thị trấn Dầu Tiếng để kịp chứng kiến hình ảnh đau buồn ở một thị trấn nhỏ.
 
Đi một vòng thị trấn, cờ tang phất phới ở khắp nơi. 7 cái tang cùng một lúc đã làm cho Dầu Tiếng trở nên trầm mặc u buồn. Ở những nơi công cộng, quán xá nhiều người tụm lại bàn tán, chia sẻ và không quên nhắc đến trách nhiệm của người trong cuộc.
 
 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chốt chặt cửa khi báo chí xuất hiện.
 
Tại một quán nước ven đường, khi hỏi thăm nhà các nạn nhân, ông chủ quán vừa chỉ đường cho chúng tôi, vừa buông một câu nói bâng quơ: “Thương chúng nó quá. Chúng còn con nít, có biết gì đâu. Cái đáng trách là ở người tổ chức và hướng dẫn”
 
“Sao anh lại nói thế ?”. Ông chủ quán giải thích: “Nếu rành về địa lý một chút, ai không biết biển Cần Giờ không hấp dẫn du khách lắm. Khoan nói về độ nguy hiểm, Cần Giờ là cửa biển nơi thoát nước của 2 sông Lòng Tàu và Soài Rạp.
 
Phù sa từ thượng nguồn của các con sông này đổ ra cửa biển làm cho biển Cần Giờ đục, bẩn và nhiều sình. Đưa học sinh đến đây tắm đã là một điều không nên huống chi, nơi đây còn có công trình lấn biển dở dang chưa hoàn thành. Đọc qua báo, nhìn tấm ảnh chụp tấm biển cảnh báo nguy hiểm cắm trên bãi biển tôi đã rùng mình.”
 
Một người khách ngồi ở góc quán tham gia thêm: “Tôi biết qua báo chí, chuyến đi gồm 96 học sinh và 19 thầy cô giáo. Tính trung bình một thầy cô quản chưa đến 5 em. Vậy mà tai nạn đã xảy ra. Trách nhiệm của thầy cô tham gia chuyến đi là không thể không có”.
 
Giữ chặt con yêu
 
Dư luận rất bức xúc. Nhiều người dân không đồng tình hình thức tổ chức dã ngoại của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 
Điều này đã làm chúng tôi nhớ lại trong đêm 29 rạng 30/12 thức trắng. Đêm đó, tại hiện trường bà Phạm Thị Tâm, hiệu trưởng với đôi mắt đỏ au bày tỏ : “Quá bất ngờ về tai nạn này. Nó ngoài sức tưởng tượng của tôi. Giờ tôi chỉ biết nói là quá đau lòng. Cả đêm tôi cứ trông chờ có phép màu xảy đến với các em nhưng thời gian cứ dần trôi qua . . .”
 
Bà hiệu trưởng nói như thế. Người dân thị trấn râm ran về trách nhiệm của nhà trường nhưng khi chúng tôi có mặt trước cổng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cánh cổng sắt vẫn nặng nề khép chặt…
 
Cần xem lại giáo dục nhân cách
 
Lý do của nhà trường đưa ra để từ chối tiếp xúc với báo chí chỉ đơn giản là chưa có chỉ đạo từ huyện. Cánh cổng vẫn khép chặt cho đến giờ tan học. Học sinh phải ra về bằng cổng sau (?).
 
Chúng tôi có mặt tại nhà em Nguyễn Phan Thành Lâm vừa lúc các bạn đồng song đến nhìn mặt người bạn lớp trưởng xấu số lần cuối.
 
Đau đớn trước cái chết của đứa con ngoan, học giỏi
 
Đôi mắt đỏ hoe, em Huỳnh Thị Mai Loan nói trong thảng thốt: “Lớp em có 3 bạn tham gia chuyến du lịch này nhưng cả 3 bạn ấy đều chết hết rồi”…Trong khi đó, phía sau áo quan, bố mẹ Lâm chết lặng. Từ lúc nhận được hung tin, cả hai như thấy đất trời sụp đổ.
 
Tiếng mõ vọng lên đều đặn giữa khu rừng cao su tịch mịch. Căn nhà cấp 4 của chị Nguyễn Thị Thu Phượng nhuốm màu tang tóc. Con chị, em Nguyễn Hoàng Long – thi thể tìm thấy đầu tiên – đang nằm trong áo quan lạnh lẽo. Từ khi liệm cháu đến giờ chị cứ ngồi ôm chiếc quan tài mà nước mắt lưng tròng…
 
Cách đó không xa là nhà em Võ Tấn Tài nạn nhân được phát hiện cuối cùng bị kẹt trong đá của đoạn bờ kè. Tài được đưa về nhà lúc 11h30 ngày 30/12. Bố mẹ Tài đã túc trực tại hiện trường suốt đêm để ngóng tin con. Khi thi thể đưa về bệnh viện, mẹ em kêu gào thảm thiết.
 
“Tài là con đầu lòng. Nó bơi rất giỏi nhưng vẫn không thể thoát ra được” – anh Phạm Võ Thanh Tuấn, bố của Tài nói trong uất nghẹn.
 
 Biển Cần Giờ. Trong vòng tròn là nơi các em bị nạn.
 
Dầu Tiếng trong phút chốc nhuốm nàu tang tóc. Trong giây phút đau buồn này, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, khẳng định: sở sẽ kiểm điểm nhà trường, trách nhiệm từng cá nhân để xảy ra tắc trách. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
 
“Trước mắt, chúng tôi đã gọi điện khẩn yêu cầu tất cả các trường trong tỉnh ngừng ngay mọi hoạt động dã ngoại đến hết năm học” - ông Phương cho biết
 
Có thể đây là nguyên nhân để những người làm công tác giáo dục ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm né tránh báo chí. Giáo dục học sinh về nhân cách là điều thường ngày được các thầy cô nhắc nhở. Thế nhưng trong trường hợp này, nhân cách – ý thức về trách nhiệm – của trường cũng cần nên xem lại.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo