Vụ án Hồ Duy Hải: Nếu “mua vật chứng ngoài chợ” là không thể chấp nhận
Mấy ngày qua, nhiều tờ báo đã lên tiếng về vụ án có dấu hiệu oan sai, bị án Hồ Duy Hải bị kết án giết 2 nữ nhân viên ở Bưu điện Cầu Voi. Chỉ 1 ngày trước ngày thi hành án, trước thông tin từ báo chí và dư luận, các cơ quan chức năng đã quyết định hoãn thi hành án.
Câu chuyện tử tù Hồ Duy Hải có oan hay không vẫn còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn mang tính khoa học pháp lý, PV đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) xung quanh vụ án này.
Thưa luật sư, mấy hôm nay, theo dõi dư luận xung quanh vụ án Hồ Duy Hải có dấu hiệu oan sai, luật sư có ý kiến như thế nào?
Điều mà dễ nhìn thấy nhất đó là phản ứng mạnh mẽ của dư luận trên các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội trước nguy cơ mạng sống của một con người có dấu hiệu oan sai bị tước đoạt. Phản ứng đó đã mang lại cho tử tù Hồ Duy Hải có cơ hội được sống để tiếp tục chứng minh mình vô tội, tạo một tiền đề cho tư pháp nước nhà càng ngày càng phát triển tốt hơn.
Điểm "gợn" nhất của vụ án có phải quá trình thu thập chứng cứ, thưa ông?
Đúng như vậy. Sau khi đọc một bài báo phản ánh khá chi tiết nội dung vụ án, tôi hết sức nghi ngờ về tính xác thực này, vì không thể tin được một vụ án có quá nhiều sai sót tố tụng nghiêm trọng như vậy. Chứng cứ cực kỳ yếu để đi đến quyết định tước đi sinh mạng của một con người. Điều đó phản ánh trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ điều tra trong vụ án này là không ổn.
Theo luật sư, nếu thông tin về việc "mua chứng cứ ngoài chợ" này là có thật, cần phải nhìn nhận vụ án này thế nào?
Nếu có điều này thì đó không có trong nghiệp vụ điều tra. Đây là cách làm đối phó hết sức cẩu thả và vô trách nhiệm. Cần phải có hình thức xử lý đối với những cán bộ liên quan đến việc “mua vật chứng” này. Thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khoa học pháp lý, khâu thu thập chứng cứ có vai trò như thế nào đến việc định tội, thưa luật sư?
Cả khoa học pháp lý và thực tiễn, chứng cứ có vai trò quyết định trong việc xác định sự thật của vụ án, có hay không hành vi phạm tội. Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”
Nếu có vi phạm về thu thập chứng cứ thì vi phạm này được xem xét như thế nào?
Trình tự, thủ tục này được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, nên nếu vi phạm về thu thập chứng cứ là vi phạm tố tụng.
Trong vụ án này, có quá nhiều vi phạm về tố tụng, vi phạm này có thể để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nên cần thiết phải huỷ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Vụ án này cho thấy vấn đề gì quanh việc đưa quyền im lặng vào luật để luật sư tham gia ngay từ đầu và cùng tham gia quá trình thẩm vấn?
Đây là một đề tài rất nóng, đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, và tất nhiên là nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của nhiều giới, kể cả cán bộ lãnh đạo nhà nước cao cấp và đặc biệt là của đại đa số nhân dân. Vụ án này thêm một minh chứng sinh động nữa để khẳng định rằng, không thể trì hoãn việc đưa “Quyền giữ im lặng” vào luật trong đợt sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự sắp tới.
Xin cảm ơn luật sư!
End of content
Không có tin nào tiếp theo