"Hẳn việc ép cung phải kinh hoàng lắm, tới mức ông Chấn còn nói rằng: Chuyện gì có thể quên chứ không bao giờ quên việc cán bộ điều tra “tập” cho ông giết người".
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhấn mạnh: "Điều cần thiết là phải xem xét lại luật pháp đã thi hành đầy đủ chưa. Tại sao điều tra viên phải ép, phải dụ. Hẳn việc ép cung phải kinh hoàng lắm, tới mức ông Chấn còn nói rằng: Chuyện gì có thể quên chứ không bao giờ quên việc cán bộ điều tra “tập” cho ông giết người. Chính vì vậy cần phải xem xét lại đạo đức và nghiệp vụ của điều tra viên. Vì năng lực của anh kém quá nên anh phải dùng vũ lực để doạ người ta. Vì không có biện pháp nghiệp vụ tốt nên mới phải đánh đập, tra tấn, khảo tra nghi phạm để buộc người ta phải nhận rồi lập hồ sơ giả. Nếu không có năng lực nghiệp vụ tốt thì cơ quan độc lập cũng không tránh khỏi việc dụ cung, ép cung, bức cung…".
Từ những lời "tố" bị... bức cung
Cao trào của vụ án được cho là oan sai tại Bắc Giang khi viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập Pháp Đinh Xuân Thảo đưa ra kiến nghị: "Nên khởi tố một vụ án khác để điều tra việc có ép cung, nhục hình, tra tấn nghi phạm (hoặc bị can) hay không? Dành chút thời gian cho báo giới bên hành lang Quốc hội kỳ họp này, ông Thảo cho rằng, nếu lời ông Chấn khai là bị bức cung, mớm cung, nhục hình là đúng thì rõ ràng những người liên quan phải chịu trách nhiệm".
Trở lại với việc tố cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo ông Chấn, ông không chỉ bị những phạm nhân trong trại tạm giam "tra tấn" mà cả khi lấy lời khai của ông, nhiều điều tra viên đã ép cung ghi lời khai, đọc cho ông viết đơn tự thú. Ông Chấn khẳng định, nhiều đêm ông không được ngủ vì điều tra viên bắt ông phải thức để tập diễn lại hành động giết người. Cán bộ điều tra bảo một phạm nhân khác giả làm nạn nhân, bắt ông dùng thìa để làm hung khí, tập đâm rồi tập bế nạn nhân theo các tư thế. Công việc diễn ra trong nhiều đêm liền cho đến khi ông làm thuần thục mới thôi. Vài ngày sau, ông Chấn được đưa tới nhà dân ở gần đó để quay thực nghiệm hiện trường.
Câu chuyện về ông Nguyễn Thanh Chấn chưa lắng xuống thì cũng ngay ở Bắc Giang, dư luận lại nhận được thông tin về một trường hợp khác là ông Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) kêu oan khi cho rằng mình bị cơ quan công an ép cung, bức cung,... phải nhận tội. Dẫn lời từ luật sư của ông Long cho thấy, tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa, ông Long đều khai bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung và tưởng sẽ chết trong khi điều tra, nên phải khai nhận theo những nội dung do cán bộ điều tra đọc cho để viết.
Trong một vụ án khác cũng tốn không ít giấy mực ở Bắc Ninh khi hai công dân và là hai cựu chiến binh ở phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh bị khởi tố và xét xử về tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Chống người thi hành công vụ". Mới đây nhất, cuối tháng 10/2013, sau khi nhận được đơn tố cáo của hai ông này (ông Nguyễn Văn Tuyến và ông Nguyễn Văn Đảng) một số cán bộ điều tra công an TP. Bắc Ninh tạo dựng tài liệu không có thật, cố ý làm sai lệch vụ án,... Trước sự việc này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có công văn đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành điều tra làm rõ, nếu phát hiện dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển về cơ quan này để xử lý theo quy định pháp luật.
Cần cơ quan giám sát điều tra
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật gia Huỳnh Chiêu, nguyên giám đốc sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Phải có cơ quan giám sát để tránh tình trạng bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai và phải giám sát ngay từ khâu đầu. Trong bộ Luật Tố tụng hình sự có quy định cho luật sư tham gia ngay từ đầu nhưng việc thực thi còn hạn chế. Luật sư khó tiếp cận và gặp khó khăn từ phía công an và điều tra viên. Chính vì thế phải có cơ chế để việc giám sát được thực thi.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng: Thực ra những hình thức ép cung, bức cung, dụ cung, mớm cung rất xa lạ với chế độ của chúng ta và không phải là bản sắc của xã hội chủ nghĩa. Những hình thức đó là để buộc người ta từ không có tội thành có tội, từ ít tội thành nhiều tội.
Nhìn nhận vào thực tế, theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, hai cơ quan có nhiệm vụ điều tra là Viện Kiểm sát và bộ Công an. Để xảy ra oan sai hay những nghi vấn về bức cung, bản thân hai ngành đó phải rút kinh nghiệm và xử lý dứt khoát đối với những sai phạm của cán bộ ngành mình. Các cán bộ điều tra cần phải có biện pháp nghiệp vụ làm sao để người ta nói ra được sự thật, song song đó cũng cần có chính sách khoan hồng đối với những người nói ra sự thật.
Nên để Hội Luật gia tham gia...
Trao đổi với luật gia Đoàn Xuân Hội, nguyên phó giám đốc sở Tư pháp Bình Dương, PV Người Đưa Tin cũng nhận được những phân tích hết sức sâu sắc.
Vị Luật gia này chia sẻ: "Trong bộ Luật Tố tụng hình sự đã cho phép luật sư vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, tinh thần hợp tác từ bên công an vẫn còn có những vướng mắc, khiến luật sư rất khó để tiếp xúc ngay với thân chủ của mình. Nếu có cơ quan độc lập giám sát việc này thì lúc đó luật sư sẽ được phép chủ động liên hệ làm việc, để có những chứng cứ xác thực bảo vệ cho thân chủ mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào điều tra viên. Bên cạnh đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình phải có tâm, phải đeo bám sự việc, làm hết trách nhiệm của mình, đừng thấy có khó khăn từ phía cơ quan điều tra mà chùn bước".
Theo luật gia Đoàn Xuân Hội, trước đây đã có đề xuất chuyển thi hành án hình sự sang cho bộ Tư pháp. Đề xuất này xét về mặt tính chất về hành chính thì việc giao cho bộ Tư pháp là đúng. Sau giai đoạn xét xử thì việc thi hành pháp luật giao cho bộ này là hợp lý. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thì liệu rằng bộ Tư pháp có đủ năng lực để đảm đương mọi việc không? Chẳng hạn như về số lượng cán bộ, bên bộ Công an hàng năm luôn được bổ sung lực lượng, tuyển lính nghĩa vụ… Vậy, nếu chuyển sang bộ Tư pháp thì có đủ người để canh gác trại giam hay không. "Trong điều kiện trước mắt, tôi nghĩ chưa thể được. Chính vì vậy, trước khi kiện toàn được lực lượng thì cần có những giải pháp mang tính giám sát để đảm bảo lời khai của các đối tượng được chính xác", ông Hội nói.
Từ những sự vụ trên, ông Hội đưa ra kiến nghị: Sau khi xét xử rồi, có những trường hợp người dân kêu quan thì nên có cơ chế để những đơn vị như Hội Luật gia có thể can thiệp giải quyết. Người kêu oan ngoài việc gửi cho Chánh án TAND tối cao, Viện kiểm sát, Quốc hội… thì gửi cho Hội Luật gia để Hội có nghiên cứu, có đề xuất. Chẳng hạn như vụ của ông Chấn có gửi đơn đi khắp nơi nhưng các nơi đều nói là không nhận được sớm…
Cơ quan điều tra cần chịu sự giám sát
Luật gia Huỳnh Chiêu, nguyên giám đốc sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu dẫn chứng: Ở Mỹ và một số nước, cơ quan tư pháp sẽ giám sát điều tra. Ở ta thì pháp luật chưa quy định điều này, tuy nhiên cũng đã có những bàn luận về việc chuyển thi hành án hình sự và dân sự cho bộ Tư pháp. Gần đây giữa bộ Công an và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương còn chưa thống nhất. "Thế nhưng theo tôi, việc chuyển thi hành án là việc hậu về sau, còn điều cần làm trước tiên là cần có sự giám sát điều tra, bởi như hiện nay ngoài công an ra thì còn ai giám sát nữa? Chẳng hạn như ở Mỹ, cảnh sát cũng là cơ quan quản lý điều tra, nhưng cơ quan điều tra này phải chịu sự giám sát của bộ Tư pháp. Tôi nghĩ đây là điểm mà Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cũng nên nghiên cứu, xem xét", ông Chiêu nhấn mạnh.
nguoiduatin.vn