Pháp luật

Vụ án siêu lừa Huyền Như: Ngân hàng không thể vô can

Những người bị hại đã gửi tiền tại VietinBank và Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank. Như vậy, VietinBank phải có trách nhiệm trả cho các chủ nợ của mình tiền gửi và lãi sòng phẳng.

Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như - nhân viên của Ngân hàng Công thương (VietinBank), trong khi làm việc tại đây đã lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng đang được xét xử mấy ngày nay đã nêu ra vấn đề trách nhiệm của VietinBank.

Xét về thực chất, những người bị hại trong phiên tòa hình sự này đã gửi tiền tại VietinBank và Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank. Như vậy, VietinBank phải có trách nhiệm trả cho các chủ nợ của mình tiền gửi và lãi một cách sòng phẳng và có thể kiện Huỳnh Thị Huyền Như - nhân viên của mình, trong một án dân sự để đòi số tiền bị chiếm đoạt và phải chịu mọi rủi ro, thất thoát nếu Huyền Như không trả được. 
 
Chỉ có nhận lỗi, ViettinBank mới giữ được uy tín với khách hàng.
 
Đáng tiếc, hình như người ta đã lẫn lộn trong phiên xử hình sự này và coi Huyền Như lừa đảo các khách hàng của VietinBank chứ không phải lừa VietinBank. Và coi như VietinBank vô can với việc dẫn chiếu đến Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21.11.2002 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 
 
Theo Điều 12 của quy chế ban hành theo quyết định trên thì VietinBank - ngân hàng nhận tiền gửi, phải có trách nhiệm được định rõ trong 8 điểm của điều này, trong đó điểm 8 ghi rõ, ngân hàng (trong trường hợp này là VietinBank) “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”. 
 
Rõ ràng các khách hàng này đã mang tiền đến VietinBank để gửi, đã được nhân viên của VietinBank thụ lý, làm thủ tục nhận tiền gửi và họ có đầy đủ các quyền của chủ tài khoản (trong đó có quyền hưởng lãi và sử dụng toàn bộ tiền trên tài khoản của mình) được nêu trong Điều 9 của Quy chế ban hành kèm Quyết định 1284. Chủ tài khoản có thể bị mất tiền của mình trong trường hợp VietinBank phá sản và khi thanh lý hết tài sản vẫn không đủ để trả hết cho khách hàng. Việc nhân viên của VietinBank làm sai, lừa đảo đấy là lỗi của VietinBank, chứ không phải lỗi của khách hàng và theo điểm 8 của Điều 12 kể trên VietinBank phải chịu toàn bộ thiệt hại.
 
Chỉ có nhận lỗi và trả đầy đủ cho khách hàng thì VietinBank mới giữ được uy tín của mình. Nếu các ngân hàng thương mại chối trách nhiệm của mình, do lỗi của mình thì toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ mất niềm tin với khách hàng. Nếu VietinBank từ chối trách nhiệm thì những người bị hại có thể kiện VietinBank và buộc họ phải trả tiền và tự chịu thiệt hại. 
 
Nếu họ vẫn tìm cách trốn tránh trách nhiệm thì báo giới, các khách hàng và các tổ chức khác có thể có quyền nói rõ cho các khách hàng tương lai của VietinBank hãy không sử dụng dịch vụ của ngân hàng này vì không giữ được chữ tín, không thực hiện một chức năng sơ đẳng của một ngân hàng. Và nếu không ai gửi tiền nữa thì VietinBank liệu có sống nổi?
 
Về phía Nhà nước, nhất là hệ thống tư pháp, phải bảo đảm việc thực thi thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Và trong trường hợp này buộc VietinBank phải trả gốc và lãi cho những người gửi tiền. 
 
Nguồn gốc tiền gửi là một chuyện khác và không thể lẫn lộn sự sai phạm, nếu có, liên quan đến khoản tiền gửi để từ chối nghĩa vụ của ngân hàng. Nếu tòa án không buộc VietinBank trả tiền cho các khách hàng thì tòa án cũng sẽ đánh mất lòng tin!  
Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo