Xã hội

Vụ Cấp cứu 115 chậm như rùa: Tột cùng nỗi đau, nhìn lại đạo đức con người

Nạn nhân Trần Doãn Khánh Việt đã qua đời sau khi được đưa vào cấp cứu tại BV Giao thông Vận Tải. Người đã chết cũng không thể sống lại, nhưng từ vụ việc này dư luận xã hội đang mổ xẻ về công tác cứu hộ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của con người.

Nỗi đau tột cùng của người cha già mất con

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tối ngày 23/9 trên đường Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội). Anh Trần Doãn Khánh Việt (33 tuổi, Xa La, Hà Đông) điều khiển xe máy vượt phải chiếc ô tô Innova, va chạm với một ô tô đỗ bên đường và ngã xuống phía trước chiếc nên bị chiếc Innova chèn qua, kéo lê khoảng 50m.

Người dân đã gọi điện tới số 115 yêu cầu cấp cứu, nhưng 20 phút sau không thấy lực lượng này nên đã phải đưa anh Việt vào viện bằng taxi. Và ngay ngày hôm sau, trên rất nhiều các phương tiện truyền thông, dư luận đã đặt câu hỏi trách nhiệm của lực lượng 115 trong việc tiếp cận hiện trường cấp cứu người bị nạn. Vậy có phải do sự chậm trễ của cấp cứu 115 đã gián tiếp gây nên cái chết thương tâm của anh Việt hay không? Vụ việc này sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Chỉ biết rằng khi vụ tai nạn xảy ra thì đã có 4 số điện thoại đã gọi tới 115 gọi cấp cứu và một trong số đó là Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV. Ông Tuấn sau đó đã tỏ ra rất bức xúc trước sự chậm chễ của 115.

Sau khi lo hậu sự cho con trai, ông Trần Doãn Bảo (bố nạn nhân Việt, SN 1948, ở Đô Lương, Nghệ An) cho biết: “Khoảng 23h (23/9) gia đình tôi nhận được tin cháu Việt gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm về, gia đình vội vàng bắt xe đi từ Nghệ An ra để lo chuyện.Đến khi tới nơi, thì cháu lại được chuyển lên nhà lạnh bệnh viện 198, rồi các thủ tục pháp y nên cũng không được nhìn mặt con ngay lúc đó. Sau khi lo xong hậu sự cho cháu Việt, gia đình tôi mới biết thông tin có sự chậm trễ của đội ngũ cấp cứu 115 trong vụ tai nạn của Việt. Thực sự tôi rất sốc trước thông tin này khi theo dõi trên báo chí, mà người kể lại sự việc là Nhà báo Trần Đăng Tuấn, cùng với đó là sự bức xúc của nhiều người chứng kiến vụ việc. Mất mát con đã đau buồn rồi, nhưng khi tiếp nhận thêm thông tin này nữa tôi lại càng thấy sốc và có phần bức xúc”.

Người cha đau xót trước cái chết thương tâm của con trai.

Trong tâm trạng xúc động của một người cha già mất con, ông Bảo kể, qua những nhân chứng tại hiện trường, gia đình ông đã biết được người phụ nữ đã gửi xe máy để lên xe taxi đưa anh Việt tới bệnh viện và sẽ tới cảm ơn, đồng thời phía gia đình cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự chậm trễ của ê kíp trực cấp cứu 115 đêm 23/9.

“Đến một người dưng mà họ còn hành động như vậy, thì thử hỏi cả một bộ máy 115 sao lại không bố trí được nhân sự đến để cứu người, trong khi có rất nhiều người gọi đến 115. Cứu người như cứu hỏa mà, sao cấp cứu đã được gọi lại không đến. Tính mạng con trai tôi đã mất thì không bao giờ lấy lại được nữa. Nhưng tôi mong sự việc như thế này đừng lặp lại nữa, đừng xảy ra nữa, để những người găp nạn được sống, vì cấp cứu đến kịp thời, cơ hội sống của họ vẫn còn” ông Bảo nói trong nỗi ấm ức.

Cấp cứu ở Việt Nam: Quá tệ!

Để độc giả có cái nhìn sâu hơn trong vụ việc dẫn tới cái chết của anh Trần Doãn Khánh Việt, xin điểm lại một số chi tiết đáng chú ý sau:

Theo lý giải của Trung tâm 115 Hà Nội: Khi vụ tai nạn xảy ra, trong sổ ghi chép tại Trung tâm 115 Hà Nội, vào lúc 21h37’, trung tâm có nhận được 4 cuộc điện thoại từ 4 số khác nhau là: 096528XXXX; 098304XXXX (số điện thoại của chị Hà Thu Trang); 0166973XXXX và 093652XXXX.

Nhân viên điều hành Đỗ Thị Hồng Liên đã điều động kíp trực tại Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông gồm y sỹ Đỗ Anh Tùng, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Ngọc, lái xe Đào Dũng Tiến đi cấp cứu.

Xe xuất phát từ trạm cấp cứu Hà Đông lúc 21h39’. Đến 21h47’ cùng ngày, nhân viên điều hành điện thoại hỏi gọi đến số máy 098304XXXX để hỏi tình trạng bệnh nhân thì được biết nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu bằng taxi.

Nhân viên tên Liên báo lại cho kíp trực quay xe về. Lúc này, kíp trực đã đi đến đường Nguyễn Trãi. Kíp trực quay trở về trạm lúc 21h50’.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ một số điểm không bình thường: Theo lịch sử cuộc gọi trên số chị Trang thì, lúc 21h36’ chị gọi đến số 115 để đề nghị điều xe cấp cứu. Tuy nhiên, khi chị trang gọi tới 115 thì vụ tai nạn đã xảy ra tới 10 phút, và trước đó đã có số điện thoại đầu tiên 096528XXXX gọi cho 115.

Như vậy, có thể thấy cuộc gọi đầu tiên yêu cầu 115 cấp cứu phải diễn ra vào khoảng trước 21h30. Tuy nhiên, theo báo cáo của 115 thì 21h39 xe mới xuất phát, và tới 21h47 thì họ vẫn đang ở trên đường Nguyễn Trãi, nghĩa là sau ít nhất 27 phút đồng hồ từ khi có tin báo tai nạn xe 115 vẫn chưa tới hiện trường. Giả sử 115 tới được hiện trường thì tính từ đường Nguyễn Trãi tới điểm tai nạn ở phố Hoàng Đạo Thúy cũng cần ít nhất 3 phút nữa. Như vậy, từ trung tâm 115 Hà Đông (số 57 phố Tô Hiệu) đến hiện trường sẽ mất tới hơn 30 phút.

Từ những căn cứ này, dư luận có quyền đặt ra một dấu hỏi lớn: Liệu kíp trực 115 tối 23/9 có thiếu trách nhiệm hay không, khi mà trong một đoạn đường chỉ chưa tới 6km mà sau khi nhận tin báo gần 30 phút xe cấp cứu 115 chưa tới hiện trường?

Quan trọng hơn nữa, vấn đề đặt ra ở đây là nếu 115 cấp cứu kịp thời sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn cho nạn nhân, vì họ có chuyên môn, sẽ xác định được cơ bản tình trạng của nạn nhân để có thông báo trước cho phía bệnh viện tiếp nhận chuẩn bị. Mà với những tình huống nguy kịch như của anh Việt thì sự sống và cái chết sẽ chỉ được tính bằng giây.

Trước đó, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, dư luận cũng đã có dịp bàn về khả năng ứng cứu và trách nhiệm của lực lượng 115 khi Trung tâm quản lý Đường hầm sông Sài Gòn cho biết: Trong số 13 vụ tai nạn có người bị thương thì Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn phải chủ động đưa người bị nạn đi cấp cứu đến… 12 vụ. Trước khi đưa Đường hầm sông Sài Gòn vào sử dụng, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ 115 và các bên liên quan đã tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, do phải báo cáo qua khá nhiều cấp lãnh đạo và chờ xin ý kiến chỉ đạo nên thời gian đến hiện trường khá chậm, trung bình mất khoảng 30 phút.

Sau vụ việc thương tâm này, ông Đỗ Quốc Khánh – người được mệnh danh là “thần đèn xứ Bắc” đã nói: “Bản chất của một cuộc ứng cứu là phải đảm bảo được tính mạng của các nạn nhân, còn nếu không thì bản chất cuộc ứng cứu thất bại. Tình hình cứu hộ nói chung của Việt Nam quá yếu kém.

Khi ở Mỹ, tôi thấy có tin báo một chiếc xe bị lật thì ngay lập tức ba lực lượng cùng lao đến một lúc là cứu thương, cứu hỏa và cảnh sát, điều đó cho thấy họ tiên liệu trước khả năng xấu có thể xảy ra với con người. Ở ta, một chiếc xe bị lật giữa đường, cảnh sát còn phải đo đạc, chụp ảnh lấy lời khai, làm đủ thủ tục rồi mới cẩu xe đi, vậy là tắc đường một đoạn dài, đó là vì tính chuyên nghiệp của chúng ta chưa cao, sự phối hợp giữa các đơn vị có trách nhiệm quá chậm chạp, quá nặng nề về thủ tục”.

Ở nhiều quốc gia thì bên cạnh sự phát triển của các các cơ quan công vụ thì có cả lực lượng cứu hộ tư nhân nữa, vì có những trường hợp người ta gọi cơ quan công vụ không được thì phải nhờ tới lực lượng cứu hộ bên ngoài. Ở ta thì lĩnh vực này chưa phát triển, vì chưa có khung pháp lý.

Ông Khánh đặt ra vấn đề khiến cho chúng ta phải suy nghĩ: “Những nước đang trong quá trình phát triển như Việt Nam đều rơi vào tình trạng này cả, nhưng khi nào chúng ta bứt lên được thì phụ thuộc nhiều vào tư duy của những nhà quản lý vĩ mô. Đây chỉ là một sự việc đơn lẻ nhưng nó phản ánh tình trạng xã hội còn nhiều bất cập, tính mạng con người là vô giá nhưng cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp mang tính lâu dài. Sự bức xúc của dư luận là điều dễ hiểu và là cần thiết để chúng ta phải đổi mới, phải làm tốt hơn nữa, đảm bảo tính mạng cho con người”.

Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo