Pháp luật

Vụ Cát Tường: Phân tích đau xót của bác sỹ pháp y

Xung quanh vụ việc bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang thi thể nữ khách hàng xuống sông Hồng, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh – Pháp y bệnh viện Việt Đức cho biết gần 40 ngày dưới nước, nếu may mắn chỉ có thể tìm thấy xương của nạn nhân.

Ngày 19/10/2013, sau khi làm tử vong nữ khách hàng Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, Q.Hoàn Kiếm, HN), bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường của thẩm mỹ viện Cát Tường đã ác độc phi tang thi thể xuống sông Hồng.

 Tính đến ngày 26/11/2013, đã 39 ngày kể từ khi nạn nhân bị ném xuống nước, mọi nỗ lực tìm kiếm của cả người nhà và công an đều không mang lại kết quả.
 
Trao đổi với báo Đất Việt ngày 26/11, bác sỹ Phạm Kim Bình, trưởng khoa Giải phẫu bệnh – Pháp y bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ một số kiến thức về pháp y, tử thi và những ý kiến của riêng ông đối với trường hợp nạn nhân của thẩm mỹ viện Cát Tường.
 
Trưởng khoa Phạm Kim Bình chia sẻ: “Thực chất, với mỗi bác sỹ, không cần có kiến thức chuyên ngành pháp y cũng hiểu rằng 40 ngày ngâm nước, thi thể sẽ bị rữa ra hết. Rồi khi phần mềm bị phân hủy, chỉ còn phần cứng là xương sẽ tự rơi rụng mỗi nơi một chút.
 
Bác sỹ pháp y cùng với công an bên bờ sông Hồng chân cầu Thanh Trì trong cuộc tìm kiếm hôm 26/10
 
Những ngày mới xuống nước, kể cả thi thế có bị trương hoặc bắt đầu phân hủy, với pháp y trung ương hoặc pháp y quân đội, họ có đủ thiết bị và phương pháp để tìm ra tình trạng nạn nhân trước khi tử vong, tử vong trước hay sau khi xuống nước, nguyên nhân tử vong… Từ đó có thể định tội của Tường một cách chính xác. Nhưng nếu đã bị phân hủy hết, tôi e là khó có thể tìm kiếm được thêm thông tin gì".
 
Ông Bình phân tích thêm: "Ví dụ như trong trường hợp tử vong do sốc phản vệ, hoặc do quá trình hút, bơm mỡ, tất cả những chứng cứ này chỉ có thể tìm thấy trên phần mềm như da thịt, nội tạng. Tìm thấy xương sẽ phục vụ được việc có bị hành hung trước khi tử vong không, nhưng xương bị thất lạc, tìm được phần này thì thiếu phần kia, nên khả năng nhận được câu trả lời cũng là rất khó.
 
Trong trường hợp này, nếu Tường bọc kín nạn nhân như trong túi nilon, bao tải… thì dù có phân hủy phần mềm, thì xương cũng không bị thất thoát, tìm được xương sẽ là điều may mắn, bên pháp y sẽ có nhiều thông tin để điều tra hơn. Còn nếu không được bọc trong túi, xương thất thoát, thì đó quả thực là điều bất hạnh cho gia đình nạn nhân.”
 
>>Vụ Cát Tường: Thượng tá CA cho rằng nạn nhân chưa nổi
Bác sỹ Bình cũng nhấn mạnh: “Pháp y Việt Nam, pháp y quân đội rất giỏi, họ có rất nhiều biện pháp chuyên sâu, cũng như máy móc trang thiết bị, nếu tìm thấy thi thể nạn nhân, hoặc xương, có thể sẽ có biện pháp nào đó, dù hi vọng không cao. Do đó, gia đình và phía điều tra chắc chắn sẽ không thôi nỗ lực tìm kiếm. Dù không giúp ích được gì cho pháp y, nhưng chỉ tìm thấy một chút nào đó của nạn nhân, sẽ là liều thuốc tốt nhất xoa dịu nỗi đau của gia đình họ”.
 
Trao đổi với một người thân trong gia đình nạn nhân chiều 26/11, anh Dũng ( 23 tuổi, em họ nạn nhân) cho biết hiện gia đình chưa có biện pháp gì để tìm kiếm cho hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dù rất mệt mỏi nhưng gia đình vẫn cố gắng tìm kiếm thi thể chị bằng mọi giá. Theo anh Dũng, có tìm được chị, những người còn sống mới có thể yên tâm, chị ra đi mới được thanh thản.
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo