Vụ chôn thuốc sâu: "May mà người dân phản ứng quyết liệt"
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, hiện nay nhiều con sông đang bị ô nhiễm nặng nề, cụ thể như sông Châu Giang ở Hà Nam. Con sông này phải hứng chịu chất thải của các nhà máy, các trạm xả thải của Hà Nội, khiến cá chết hàng loạt. Chất độc hại từ trong nguồn nước, hấp thụ vào lòng đất rồi quay trở lại nguồn nước, người dân sử dụng nguồn nước này sẽ có khả năng bị ung thư.
Sáng nay (29/10), tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Phóng viên VOV online phỏng vấn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về những vấn đề liên quan.
PV: Thưa bà, tình trạng các nhà máy, đơn vị, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra rất phổ biến, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng, khiến dư luận rất bức xúc, song việc xử phạt lại quá nhẹ, không mang tính răn đe. Ý kiến của bà như thế nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Về xử phạt, chúng ta đã có Nghị định về xử lý hành chính trong lĩnh vực môi trường. Điều quan trọng là pháp luật của ta khá đầy đủ. Tôi nghĩ trước mắt cứ xử lý như hiện nay. Song nếu chúng ta xử phạt hành chính một lần, hai lần mà các công ty, đơn vị, cá nhân vẫn tiếp tục vi phạm về lĩnh vực môi trường thì phải khởi tố hình sự.
Hiện chúng ta chưa quy định xử lý hình sự về việc này và việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tài nguyên môi trường chưa có sự thống nhất, cho nên việc xử lý các vụ vi phạm về môi trường chưa tốt.
PV: Hiện còn tồn tại các kho thuốc bảo vệ thực vật khu vực nông thôn, ảnh hưởng đến người dân. Hướng giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Điều này do sự quản lý của ngành chức năng địa phương, họ chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Đối với các kho thuốc bảo vệ thực vật ở nông thôn, các cơ quan chức năng phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát.
Với trách nhiệm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường, khi nắm được vấn đề này, các thành viên Ủy ban đã đưa tình huống đó vào trong vấn đề sửa đổi Luật bảo vệ môi trường để cụ thể hóa vào luật.
Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên môi trường có sự chủ động trong thống kê, tổng rà soát trong toàn quốc, để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đừng để như vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở Thanh Hóa vừa qua, bởi khi đó dân sẽ rất bức xúc và có những hành động bột phát dẫn đến những hệ quả khác.
Cũng may người dân ở khu vực chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa có phản ứng quyết liệt thì các cơ quan chức năng mới biết và quan tâm xử lý, nếu không sự việc sẽ bị chìm đi.
PV: Bà có ý kiến như thế nào khi vừa qua chúng ta phát hiện vụ việc nhập các loại sinh vật lạ vào nước ta?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Theo tôi, may mà báo chí đưa lên chuyện này thì các cơ quan chức năng mới biết. Điển hình là vụ nhập cỏ lạ trồng trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sau đó Bộ NN&PTNN đã có chỉ đạo dừng lại.
Nguyên nhân do công tác quản lý của ta yếu kém, cho nên không kiểm soát được. Khi báo chí phát hiện ra sai phạm, thì “bung đến đâu mới đi bịt đến đấy”. Do đó cơ quan chức năng phải chủ động thường xuyên.
Tuy nhiên, những cán bộ chuyên trách về vấn đề này cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nhất là trên địa bàn nông thôn, người dân hiểu biết pháp luật hạn chế, do đó cứ làm theo ý của mình. Nhưng suy cho cùng vẫn là sự quản lý Nhà nước./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo